Được công bố lần đầu tiên tại Anh vào đầu tháng 4 vừa qua, cho đến nay, các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã được phát hiện tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dù vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào, song các bác sỹ khuyến cáo nên bảo đảm vệ sinh, thực hiện 5K và nếu trẻ em có triệu chứng bất thường nên đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Được công bố lần đầu tiên tại Anh vào đầu tháng 4 vừa qua, cho đến nay, các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã được phát hiện tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới, với hơn 300 ca mắc. 10% trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp tính đã phải ghép gan. Indonesia đã ghi nhận 4 ca tử vong ở trẻ em do viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, trong khi đã có 5 ca tử vong tại Mỹ liên quan đến căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết ca mắc viêm gan không rõ nguyên nhân là trẻ dưới 10 tuổi, nhiều trẻ dưới 5 tuổi. Không em nào có bệnh nền.
Các triệu chứng chính của bệnh bao gồm viêm gan, men gan cao và vàng da. Trước đó, người bệnh sẽ bị đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa. Trong hầu hết các ca viêm gan bí ẩn, trẻ em không bị sốt. Tuy nhiên, một số trường hợp ở Anh nghiêm trọng đến nỗi phải chuyển bệnh nhi sang các khoa chuyên về gan của trẻ em để điều trị.
Sau khi ghi nhận 169 trường hợp đầu tiên, WHO đã điều tra và phát hiện các virus phổ biến gây viêm gan cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) không được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.
Theo WHO, hiện Adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm gan lạ này. Adenovirus thường lây lan khi tiếp xúc gần, qua các giọt bắn và bề mặt. Có hơn 50 loại Adenovirus, hầu hết gây cảm lạnh, nhưng cũng có nhiều bệnh khác. Hiện các nhà nghiên cứu cũng đang điều tra các khả năng lây nhiễm khác, trong đó có Covid-19 và môi trường.
Dù chưa ghi nhận ở Việt Nam, nhưng loại virus gây bệnh viêm gan cấp tính (còn gọi là virus gây viêm gan bí ẩn) đang thực sự đe dọa sự an toàn của trẻ em. Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với ThS. BS. Lê Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Dẫn chương trình: Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em đã và đang xảy ra tại nhiều quốc gia với những diễn biến rất khó lường, ghi nhận trên thế giới đã có ca tử vong. Sự việc này cũng khiến cho nhiều bậc phụ huynh hết sức lo ngại. Ở góc độ chuyên gia, bác sĩ đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này?
ThS.BS Lê Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai: “Hiện tại thì các bậc phụ huynh cũng như là mọi người đang rất lo lắng về căn bệnh viêm gan cấp tính này. Theo quan điểm là một bác sĩ, tôi nghĩ mọi người không nên quá lo lắng, vì tại Việt Nam chưa có thông báo phát hiện ca bệnh nào. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan, gia đình có thể chú ý các biểu hiện, triệu chứng bất thường của trẻ như nôn, tiêu chảy hoặc vàng da thì nên cho trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời để thăm khám và điều trị theo chuẩn đoán của bác sĩ.”
Dẫn chương trình: Để phòng trách căn bệnh này, theo bác sĩ chúng ta cần phải làm gì?
ThS. BS. Lê Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai: “Theo thống kê 60% viêm gan ở trẻ em là do virus, còn lại là do các vấn đề khác như rối loạn chuyển hóa, ngộ độc… Đối với mỗi bệnh lý viêm gan, các bác sỹ khuyến cáo các cách phòng bệnh khác nhau như đối với viêm gan do virus cần hạn chế tiếp xúc gần, đảm bảo vệ sinh, thực hiện 5K khi tiếp xúc với người ốm…Lời khuyên của tôi trong giai đoạn này là nên chú ý thực hiện 5K. Ngoài ra, viêm gan phổ biến ở Việt Nam là viêm gan B, khi đó sẽ dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con; viêm gan A thì dự phòng lây truyền qua đường tiêu hóa. Như vậy, đối với mỗi loại, chúng ta có nhiều cách phòng bệnh khác nhau để có lời khuyên cụ thể. Đặc biệt là trong mùa sốt xuất huyết, chúng ta thường cho bệnh nhân uống Paractemaol cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ngộ độc, viêm gan và suy gan cấp tính ở trẻ em. Do đó phải dùng đúng liều, đúng chỉ định của bác sỹ.”
Thực hiện : Thu Ngoan