• 3778 lượt xem
  • 06:21 30/07/2022
  • COVID-19

Bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron nhập viện tăng trở lại

Số ca nhiễm biến thể mới chủng Omicron liên tục tăng cao, vượt ngưỡng mỗi ngày trên 1 nghìn ca so với hồi đầu tháng. Trong tuần đã có hơn 300 ca nặng được điều trị tại các Bệnh viện trung ương. Với tốc độ số ca nặng tăng nhanh như hiện nay, các bệnh viện tuyến cuối đứng trước nguy cơ bị quá tải.

Tại Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid - 19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số lượng bệnh nhân nặng nhập viện tăng cao trong những ngày vừa qua… Đơn nguyên này có hơn 20 giường nhưng hiện nay không còn giường trống. Số ca nặng phải thở máy chiếm hơn 40%, chủ yếu là bệnh nhân chuyển đến từ nhà và bệnh viện tuyến dưới.

Bác sỹ NGUYỄN MINH NGUYÊN, Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid 19: “So với tuần trước thì tuần này số bệnh nhân vào tăng lên. Trước đây có từ 1 đến 3 bệnh nhân nhưng hiện nay mỗi ngày từ 3 đến 7 ca chủ yếu là bệnh nhân có bệnh nền. Thứ 2 là các bệnh nhân cao tuổi. Đặc biệt là các bệnh viện ở Hà Nội hay bệnh viện khu vực xung quanh chuyển đến trong tình trạng nặng cần phải thở oxi dòng cao hoặc phải thở máy.” 

Điều dưỡng TẠ THỊ LINH, Đơn nguyên R2, Bệnh viện điều trị Người bệnh Covid 19: “Gần đây số bệnh nhân đã đông trở lại và cụ thể bệnh nhân hồi sức có nhiều hơn . Vì đặc thù bệnh nhân hồi sức ở đây chúng tôi phải theo dõi sát sao hơn và chăm sóc toàn diện từ vấn đề chuyên môn đến cả vệ sinh cá nhân đều phải làm hết. Vì đông nên áp lực công việc cũng nhiều hơn trước.” 

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các trường hợp bị nhiễm biến thể Omicron nặng tăng gấp 4-5 so với các tháng trước. Trong số hơn 100 bệnh nhân đang điều trị Covid - 19 có 25 người phải thở máy, thở oxy nồng độ cao. 

Theo các chuyên gia, số ca mắc mới và có diễn biến tăng nặng có xu hướng tăng cao trong 2 tuần qua có liên quan đến việc người dân còn chủ quan, lơ là thực hiện phòng bệnh với các biến thể mới chủng Omicron, trong đó có đặc biệt lưu ý biến thế BA2.12.1 có tốc độ lây lan rất nhanh.

PGS.TS PHẠM QUANG THÁI, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Chúng ta thấy rằng khi biến chủng mới nó xuất hiện là nó đều chiếm ưu thế so với biến chủng cũ mà cái ưu thế chúng ta nhìn thấy rõ nhất là chất bám dính nhân lên của virus nó thể hiện qua tốc độ lây lan. Thì chủng BA2.12.1 có tốc độ lây lan cao hơn BA2 là 25%. Như vậy nó cao hơn chủng Denta hơn rất là nhiều.Với tốc độ như vậy thì mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm và kể ca với những người đã từng bị nhiễm biến chủng trước thì hoàn toàn có thể bị tái nhiễm biến chủng mới.”

GS.TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Trong thời gian tới, kể cả đến năm 2023 kết thúc dịch thì chưa có và sự tương tác các đột biến gen gây ra nó ảnh hưởng đến các biến thể sự lây lan, ảnh hưởng đến công tác điều trị, ảnh hưởng đến miễn dịch cũng như các vấn đề chẩn đoán như vậy mỗi trường hợp xẩy ra làm thế nào để phát hiện sớm mà xử lý kịp thời mà không để lây lan.” 

Do đó các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như khử khuẩn, đeo khẩu trang khi ở môi trường kín hoặc nơi đông người. Người dân nên tiêm vaccine mũi nhắc lại để hạn chế số mắc, trở nặng. Nếu chủ quan trong phòng chống, rất có thể xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, dẫn tới quá tải hệ thống y tế. 

Tiến Dũng