Bê bối tham nhũng chấn động EU

Liên quan tới bê bối tham nhũng gây chấn động tại Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu đã nhất trí kết thúc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch EP của bà Eva Kaili, một trong số 4 người bị bắt giam do tình nghi đã nhận hối lộ nhằm tác động đến các chính sách của EP theo hướng mang lại lợi ích cho một quốc gia ở Trung Đông.

Giới phân tích nhận định, bê bối này đã ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền Liên minh châu Âu. Đây cũng là nội dung được nhiều báo lớn đăng tải thời gian qua.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Washington Post, tác giả cho rằng, vụ bê bối đã đặt ra những câu hỏi mới liên quan tới tình trạng tham nhũng và vận động hành lang trong thể chế ở EU, đặt các quan chức đương nhiệm và trước đây dưới sự giám sát, và rất có khả năng dẫn tới kêu gọi việc giám sát thể chế. Bên cạnh đó, bê bối này không quá ngạc nhiên. Dẫn lời ông Michiel van Hulten, Giám đốc Tổ chức minh bạch quốc tế cho rằng, “mặc dù đây có thể là trường hợp cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng nhất mà Nghị viện châu Âu từng chứng kiến trong nhiều năm, nhưng đây không phải là vụ việc cá biệt.”. Theo ông, Nghị viện châu Âu “đã cho phép văn hoá không bị trừng phạt phát triển” nhờ vào các quy tắc tài chính lỏng lẻo và không có sự giám sát độc lập về đạo đức. Ông kêu gọi việc thành lập “một cơ quan đạo đức độc lập” của EU, có quyền điều tra và thực thi.

“Vụ bê bối tham nhũng tại Nghị viện châu Âu: Các quy tắc đạo đức cần cải thiện” là nhan đề một bài viết trên trên trang euroactive. Bài viết dẫn lời Giáo sư chuyên ngành luật của EU Alberto Alemanno, khuyến nghị các tổ chức EU nên thành lập một “cơ quan đạo đức chung, độc lập, có đủ nguồn lực, năng lực điều tra và xử phạt”. Ông kêu gọi tăng cường các quy tắc về tính minh bạch, xung đột lợi ích, ... ở EU bằng cách áp đặt nghĩa vụ báo cáo cho tất cả các nghị sỹ ở Nghị viện châu Âu.

Bài viết khác được hãng DW đăng tải nhận định, vụ bê bối tham nhũng này đã gây thiệt hại vô cùng lớn đối với Nghị viện châu Âu. Tác giả nhận định, điều tồi tệ nhất là vụ việc này sẽ được nhớ tới trong một thời gian dài vì phạm vi ảnh hưởng của nó. Bên cạnh đó, các quy tắc chống tham nhũng mới cũng sẽ khó thể chữa lành “vết thương” này một khi lòng tin đã bị phá huỷ. Tuy nhiên, những giải pháp tốt nhất cũng có thể ngăn chặn sự tái diễn của những vụ bê bối như vậy.

Ngọc Anh