Bầu cử Tổng thống Pháp quyết liệt đến phút chót

Ngày 24/4, hơn 48 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống để lựa chọn ông Emmanuel Macron hoặc bà Marine Le Pen làm Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Mặc dù vẫn phải đối mặt với một số yếu tố rủi ro như tỷ lệ cử tri vắng mặt có thể ở mức cao nhưng hầu hết phân tích đều cho rằng, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron có cơ hội rất lớn để tái cử.

Từ 8 giờ sáng 24/4, theo giờ địa phương, các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa để cử tri đến bỏ phiếu trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống nước này. 

Cử tri Pháp: “Nước Pháp cần thay đổi và phải là những thay đổi đúng hướng. Và tôi tin tưởng vào ứng cử viên Marine Le Pen.

Cử tri Pháp : “Chúng tôi biết những gì Tổng thống Emmanuel Macron đã và chưa làm được trong 5 năm qua. Vì vậy, tôi vẫn tin tưởng ông ấy trong 5 năm tới.”

Trước đó, trong ngày 23/4, những cử tri đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu tổng thống vòng 2 là những công dân Pháp sinh sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này trên khắp thế giới, với dân số gần 3 triệu người.

Ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước – La République en Marche theo xu hướng trung dung, lên nắm quyền vào năm 2017 với tư cách là tổng thống trẻ tuổi nhất của Pháp. Nếu thắng cử, ông sẽ trở thành tổng thống mãn nhiệm đầu tiên tái đắc cử kể từ sau nhiệm kỳ của cố tổng thống Jaques Chirac ( 2002-2007).

Trong các cuộc thăm dò, ông Macron được coi là người đáng tin cậy trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Trong đại dịch Covid-19, ông chủ trương nhà nước can thiệp và chi tiêu mạnh tay để bảo vệ các công ty và hộ gia đình, điều này được công chúng Pháp ủng hộ. Dù vậy, Tổng thống Macron cũng khó tránh khỏi bị đánh giá là người xa cách do các chính sách thuế thân doanh nghiệp của ông.

Trong khi đó, đây là lần thứ 3 ứng viên Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc – Rassemblement National, bà Marine Le Pen, 53 tuổi, ra tranh cử tổng thống Pháp. Nếu chiến thắng, bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp và cũng là nhân vật cực hữu đầu tiên lãnh đạo nước Pháp. 

Năm 2011, bà Le Pen tiếp quản Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, chống nhập cư từ cha bà là chính trị gia cực hữu Jean-Marie. Năm 2018, bà Le Pen đổi tên đảng thành Tập hợp Quốc gia (National Rally), tìm cách loại bỏ hình ảnh bạo lực và gia tăng sức hấp dẫn của đảng. 

Bước vào cuộc tranh cử năm nay, bà tập trung vào vấn đề chi phí sinh hoạt tăng vọt, mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Bà đã tuyên bố sẽ giảm thuế VAT đối với nhiên liệu và năng lượng từ 20% xuống 5,5%, đồng thời sẽ bỏ thuế thu nhập cho tất cả người dưới 30 tuổi. 

Giống như kỳ bầu cử tổng thống năm 2017, người dân Pháp hôm nay lại đứng trước sự chọn lựa hai đối thủ cũ nhưng trong bối cảnh mới đầy biến động.

Để thông tin rõ hơn tới quý vị và các bạn về cuộc bầu cử vòng 2 này, chúng tôi kết nối với chị Nguyễn Mỹ Linh, thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu.

BTV: Xin chào chị Mỹ Linh! Xin chị thông tin cho khán giả về tâm lý của các cử tri Pháp trong vòng bầu cử lần này, dự đoán tỉ lệ cử tri đi bầu vào khoảng bao nhiêu phần trăm?

Chị Nguyễn Mỹ Linh - phóng viên thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu: Cho đến cuộc trưng cầu ý kiến cuối cùng vào thứ 6 vừa qua, có khoảng hơn 72% người Pháp dự định sẽ đi bầu cử vào ngày hôm nay. Nếu con số này xác thực thì nghĩa là thấp hơn cả vòng 1 và vòng 2 của cuộc bầu cử năm 2017. Ở thời điểm đó là 73% cho vòng 1 và 74% cho vòng 2, thấp nhất kể từ cuộc bầu cử vào năm 2002. 

Điều này cho thấy sự không mấy hào hứng của người Pháp đối với hai ứng cử viên lần này. Một người bị chỉ trích là quá cực đoan trong chương trình hành động để lấy lại vị thế của nước Pháp nhưng lại nhắm vào những chính sách với người nhập cư – đó là bà Marie Le Pen. Người khác lại bị các đảng đối lập chỉ trích vì chương trình hành động chưa tạo ra những bước thay đổi cho nước Pháp và đặc biệt là các đối tượng yếm thế - là ông Macron. Tuy vậy, dù thích hay không thích, nhiều người Pháp vẫn chọn đi bầu, vì theo họ, hãy chọn người mà họ nghĩ rằng ít yếu điểm hơn thay vì chờ đợi một vị tổng thống lý tưởng."

BTV: Theo chị, sự khác biệt nào trong cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên có thể trở thành yếu tố quyết định lá phiếu của cử tri Pháp lần này?

Chị Nguyễn Mỹ Linh - phóng viên thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu : “Phân biệt tôn giáo, hạn chế nhập cư trong quan điểm - chính điều này sẽ góp phần chấn hưng nước Pháp, trả lại cho nó sự vĩ đại của bà Marie Le Pen chắc chắn sẽ là một điểm gây tranh cãi dù đã giúp Marie Le Pen đứng ở vị trí ứng cử viên số hai của cuộc tranh cử tổng thống. 

Đừng quên rằng nước Pháp hiện tại có hơn 10 triệu người nhập cư đang sinh sống và phần lớn trong số họ đến từ các nước thuộc địa cũ của Pháp – nghĩa là Pháp đang thực hiện một nghĩa vụ có từ lịch sử chứ không hẳn chỉ là cưu mang. Ông Macron thì đưa ra một chương trình khác là tạo nhiều công ăn việc làm và tăng hỗ trợ cho người yếm thế. Chỉ hai chương trình này thôi, không kể đến những chương trình khác hành động khác thì đã khiến hai ứng cử viên tạo nên sự khác nhau.”

BTV: Vậy theo chị tân tổng thống Pháp sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong nhiệm kỳ tới?

Chị Nguyễn Mỹ Linh, Phóng viên thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại châu Âu : Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thử thách do đại dịch và tác động từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, chắc chắn tân tổng thống của Pháp nhiệm kỳ tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả đối nội và đối ngoại. 

Nếu Marie Le Pen đắc cử, với tiền sử thân Nga và những chính sách đội nội mang màu sắc phân biệt tôn giáo và văn hoá, hạn chế nhập cư, bà sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nội tại nước Pháp, cũng như với Liên minh Châu Âu.

Nếu Macron thêm một lần nữa đắc cử tổng thống thì chắc chắn rằng nhiệm kỳ này sẽ là một nhiệm kỳ vô cùng nhiều thách thức. Nhưng nói chung, bất cứ ai trong hai người bước lên bậc vinh quang trong giai đoạn này đều sẽ có nhiều khó khăn đón chờ.” 

Đúng 20 giờ tối nay (24/4) theo giờ Paris , kết quả sơ bộ vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 sẽ được công bố.

Hồng Nhung