Hà Nội: Thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư

Thông tư 21 năm 2019 của Bộ Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư thì không gian sinh hoạt cộng đồng phải đảm bảo diện tích sử dụng bình quân tối thiểu đạt 0,8 m2/căn hộ, trong đó phải có chỗ tổ chức hội nghị cư dân. Tuy nhiên, tại TP Hà Nội vẫn còn hàng trăm tòa chung cư không có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong khi nhiều nơi nhà sinh hoạt cộng đồng bị cho thuê sai mục đích.

Chung cư tái định cư 5D tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được xây dựng trước năm 2000 để tái định cư (TĐC) cho người dân bị thu hồi đất mở rộng đường Xã Đàn và một số dự án trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dù đã hơn 22 năm người dân đến đây sinh sống, nhưng cũng ngần ấy năm họ chưa được bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ).

Bà NGUYỄN NHƯ TUYẾT - cư dân 5D, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội: “Hàng năm, chúng tôi phải tổ chức ít nhất vài cuộc để họp dân, nhưng chưa có nhà SHCĐ nên chúng tôi phải họp nhờ nhà dân. Do vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng bố trí nhà SHCĐ cho dân để thành lập Ban quản trị và tổ chức các cuộc họp của cư dân trong tòa nhà.”

Hiện Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 167 tòa chung cư TĐC, trong đó chỉ có 56 tòa nhà có diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế, 81 tòa có nhà sinh hoạt cộng đông nhưng diện tích rất nhỏ, gây khó khăn cho cư dân.

Ông TRẦN VĂN QUANG - chung cư N6C, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội: “Diện tích sinh hoạt cộng đồng theo quy định là 0,8m2 x 60 hộ là 48m2. Nhưng chúng tôi chỉ được phân 26m2. Một chung cư mà người dân mất đất mất nhà mà không có chỗ họp để sinh hoạt cộng đồng, lúc họp phải đi mượn, hoặc ngồi vỉa hè, nhà xe để sinh hoạt cộng đồng thì rất khó khăn. Thậm chí đến lúc ma chay, người ta muốn có chỗ thì cũng không có chỗ để sinh hoạt”.

Không có nơi để sinh hoạt, cư dân tại khu tái định cư bức xúc, lên tiếng đề nghị địa phương bàn giao nhà SHCĐ. Vì nhiều lý do, trong đó không có diện tích bố trí, vướng mắc về thủ tục, nơi có diện tích thì thì chưa được chấp thuận chuyển đổi…

Trong khi nhiều tòa chung cư không có nhà SHCĐ, một số toà chung cư được bố trí nhà SHCĐ lại cho thuê trái quy định. Đơn cử như tòa chung cư CT1, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Theo lý giải của người dân, vì không thường xuyên sử dụng để hội họp, gây lãng phí, nên BQT toà nhà đã cho thuê để lấy kinh phí hoạt động. Mỗi lần có sự kiện, cư dân tòa nhà này lại tận dụng hầm trông giữ xe của tòa nhà để tổ chức hội họp.

Bà NGUYỄN THỊ NGA - Trưởng BQT tòa nhà CT1, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “Cư dân các tòa nhà tái định cư là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị thu hồi đất làm các dự án. Dù biết là trái quy định nhưng chúng tôi cho thuê để lấy tiền tu sửa, đóng góp, bảo trì các hạng mục xuống cấp.”

Ông NGUYỄN TRỌNG HỶ - cán bộ địa chính - xây dựng đô thị phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “Thực tế mà nói, nhà SHCĐ là nơi hội họp, phổ biến quy định pháp luật đến với bà con cư dân. Tuy nhiên, mỗi tháng chỉ sử dụng 1 hoặc 2 lần rất lãng phí. Vì vậy, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp tăng nguồn thu để cư dân nâng cấp, sửa chữa, lấy kinh phí sinh hoạt vì cư dân TĐC rất khó khăn. Phường đã làm văn bản gửi lên BQT tòa nhà, cư dân và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để chấm dứt việc cho thuê kinh doanh trái quy định.'"

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong số 137 tòa chung cư TĐC có thiết kế nhà SHCĐ, có đến 25 tòa chung cư cho cho thuê nhà SHCĐ sai mục đích.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT HẠNH - Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội: “Trong quá trình bài giao cho địa phương, chúng tôi phát hiện rất nhiều nhà SHCĐ cho thuê trái mục đích. Tuy nhiên, chúng tôi đã bàn giao cho địa phương nên đã gửi VB cho Sở Xây dựng để xử lý nên không thuộc thẩm quyền của công ty”.

Ông VŨ QUỲNH - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai: “Việc cho thuê nhà SHCĐ là trách nhiệm của UBND các phường nên cần phải tăng cường kiểm tra, yêu cầu cư dân và BQT thực hiện theo đúng quy định, đúng chức năng. Đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng tháo gỡ lên cấp trên.”

Thực tế cho thấy, nhà sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong các khu chung cư là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc ít khai thác, ít sử dụng vừa gây lãng phí vừa khiến cho nhà SHCĐ xuống cấp. Do vậy, để tránh lãng phí nên vừa cho thuê để lấy kinh phí hoạt động, nhưng vẫn trưng dụng vào những ngày nhất định để sinh hoạt cộng đồng.

Thế Hà