Bảo vệ người tiêu dùng thế nào khi thông tin cá nhân bị lạm dụng?

Chiều 15/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khi thảo luận về nội dung này.

Hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị lạm dụng diễn ra khá phổ biến, mà hệ lụy rõ nhất là người tiêu dùng nhận được nhiều tín nhắn rác, cuộc gọi rác. Các đại biểu cho rằng, phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: “Hiện nay mua hàng hoá các bên bán hàng yêu cầu chúng ta cung cấp thông tin sau đó nhận được nhiều tin nhắn rác, cuộc gọi rác, nhiều khi đang họp như thế này cũng nhận được cuộc gọi mời mua bất động sản, hàng hoá này nọ rất mất thời gian, việc này xử lý thế nào? để bảo vệ thông tin chúng ta cung cấp cho các bên thứ 3 để không bị lạm dụng vấn đề này.”

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, vấn đề bảo vệ thông tin của người tiêu dùng tuy đã được đề cập trong dự thảo luật lần này nhưng lại chưa đầy đủ, chưa đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay 

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: “Trong dự thảo luật hiện nay có quy định nhưng chưa có nguyên tắc là phải được sự đồng ý của người tiêu dùng thì mới được thu thập những thông tin như vậy. Đó là yếu tố rất quan trọng. Đồng thời phải giới hạn phạm vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng thông qua bên thứ ba là chỉ nhằm mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân, không được sử dụng vào mục đích nào khác. Những yêu cầu như vậy theo chúng tôi phải bổ sung vào dự thảo luật.”

Cũng quan tâm tới vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định như thế nào để đảm bảo tương thích với hệ thống pháp luật là điểu không hề đơn giản.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Về dữ liệu cá nhân, chúng ta chưa có luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có nói chính phủ sẽ xây dựng nghị định, đến 2024 mới xúc tiến xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, tính tương thích của luật này như nào? dẫn chiếu? Chờ? Hay quy định một số bước? Đưa ra nhiều nội dung nhưng lại chưa có luật chuyên ngành.”

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội đúng thời hạn quy định.

Anh Đức