• 2454 lượt xem
  • 04:20 22/07/2022
  • Văn hóa

Bảo vệ cây di sản bằng bản hương ước làng

Văn hóa làng xóm là một nét văn hóa rất đặc trưng tại các vùng thôn quê Bắc Bộ. Thông thường, mỗi làng, mỗi xóm đều có một số quy ước riêng để bảo vệ giá trị đặc trưng, cũng như đảm bảo đời sống người dân trong làng, trong xóm được an toàn, lành mạnh.

Đối với lĩnh vực thiên nhiên – môi trường  cũng vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật thì không ít làng, xóm đã đặt ra những quy định riêng trong các bản hương ước, để đảm bảo mọi người dân đều hiểu và tiếp cận được chính xác những điều cấm kị trong sinh hoạt tại xóm làng. Câu chuyện về cây sanh "ma làng” tại thôn Suối Cốc, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sẽ giúp quý vị hiểu hơn về những nét văn hóa riêng của xóm, làng.   

Cây sanh "ma làng” là cách mà nhiều du khách khi tìm tới thôn Suối Cốc vẫn hay gọi cụ cây hơn 800 tuổi này. Sở dĩ có cái tên cây "ma làng” không phải bởi sự tích tâm linh nào cả, mà đơn giản là cụ cây này đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng như "Ma làng” hay "Ma làng 10 năm sau”. Điều thú vị hơn là khi đến thôn Suối Cốc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cây sanh di sản mà còn được nghe những "diễn viên không chuyên” kể lại những kỉ niệm tham gia đoàn làm phim như thế nào. 

Bà HOÀNG THỊ SÔ- Thôn Suối Cốc, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: "Ở đây rất là nhiều đoàn về đóng phim như cây si Ma Làng hay bộ Kén Rể, trong đó chúng tôi cũng là thành viên quần chúng đi đóng phim ở đây.” 

Ông ĐINH CÔNG SỸ - Thôn Suối Cốc, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: "Năm 2012 tôi nhớ là cái đoàn phim họ về quay ở đây mà tôi cũng được đóng phim 1 tuần, họ mang cả rắn nuôi thả luôn ở đây này. Có một cháu camera quay mà nó cứ thẳng camera nó theo nên cháu nó sợ.” 

Với hình thái như một chiếc cổng vòm, lại ở ngay vị trí đầu làng, chẳng trách cây sanh di sản lại được nhiều đoàn làm phim lựa chọn đến vậy. Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân trong làng thì ngày trước, diện tích bao phủ của cây sanh này phải gấp 3 hiện tại. Quá trình đô thị hóa cùng với sự thiếu nhận thức đã khiến nhiều gốc phụ của cây bị chặt, bị lấy đi. Chính vì vậy, kể từ sau khi được công nhận là cây di sản năm 2013, người dân trong thôn đã thống nhất đưa cây sanh vào bản hương ước của làng, yêu cầu mọi người dân trong thôn phải có trách nhiệm bảo vệ "di sản” đặc biệt của mảnh đất này.

Ông HOÀNG VĂN LUYỆN – Trưởng thôn Suối Cốc, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: "Từ năm 2013 đến nay thì hương ước của xóm cũng đưa ra một số điều khoản trong hương ước của xóm, là giữ gìn bảo vệ cây di sản này và không có ai có thể chặt được cây này. Bà con nhân dân rất là đồng tình hưởng ứng và những ai chặt cây này sẽ bị xử phạt theo quy ước của xóm”. 

Ông ĐINH CÔNG SỸ - Thôn Suối Cốc, xã Hòa Hợp, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: ”Cây này bây giờ đưa vào hương ước của làng là cây di sản, giờ không ai dám phá, ai mà phá người ta bắt người ta phạt.”

Cho đến thời điểm này thì không phải ai cũng biết cụ thể những điều được ghi trong hương ước của thôn Suối Cốc, nhưng có một điều mà ai trong làng cũng nắm rõ là phải bảo vệ cây sanh của làng. Bởi, đây không chỉ là chứng nhân của lịch sử gần nghìn năm, mà cây sanh di sản còn như một cánh cổng chào đón những điều tốt lành tới với làng, cũng như bảo vệ người dân của làng tránh khỏi sự ồn ào, ô nhiễm của làn sóng đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ. 

Văn Thắng