Bảo tồn, gìn giữ di sản kiến trúc đô thị: Những nỗi lo còn đó

Di sản kiến trúc đã góp phần hình thành nên bản sắc, hồn cốt cho mỗi đô thị nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc nói chung. Thế nhưng với sự phát triển của dòng chảy kinh tế thị trường, những công trình kiến trúc đó lại đang chịu sự tác động mạnh mẽ của thời đại, trở nên xuống cấp, bị lãng quên, thậm chí là bị phá bỏ.

Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những thách thức mà các di sản kiến trúc đô thị đang gặp phải để có cách ứng xử đúng đắn và kịp thời.

Cầu Long Biên với tuổi đời 120 năm, từng là cây cầu dài thứ 2 trên thế giới bắc qua sông ở thời điểm khánh thành. Thế nhưng giờ đây biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô đang xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Công trình trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện số 61 Trần Phú được xây dựng từ những năm 1920 của thế kỷ 19 cũng đang nằm trong kế hoạch phá dỡ để xây dựng một tổ hợp trung tâm thương mại.

Hay khu phố cổ Hà Nội được biết đến như hạt nhân lịch sử của đô thị Hà Nội, giờ đây cũng đang bị những khối cốt thép với chiều cao sừng sững xâm lấn.

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những công trình kiến trúc cổ có ý nghĩa nhất định trên khía cạnh văn hóa của thủ đô Hà Nội thế nhưng giờ đây những gì sẽ được giữ lại và những gì sẽ bị mất đi là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra với số phận của những công trình này trong tương lai.

KTS. NGUYỄN HUY ÁNH - Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam: “Các yếu tố về lợi ích làm lu mờ các quan điểm, lu mờ phương pháp, cách tiếp cận, nhận thức của chúng ta về bảo vệ di sản. Nó không đi cùng hiểu biết của chúng ta về di sản".

Di sản kiến trúc đô thị không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, mà đó còn là cuốn sử viết bằng đá, gạch, gỗ phản ánh trung thực sự hình thành và phát triển về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, đời sống của cư dân, xã hội đương thời… Thế nhưng sự phát triển mạnh của kinh tế đang khiến nhiều người quên đi việc cần phải bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hoá, lịch sử được gìn giữ trong các công trình kiến trúc cổ?

KTS NGUYỄN HUY KHÁNH: “Thực tế thì chúng ta đã có rất nhiều ví dụ, bài học có ý nghĩa. Thí dụ chúng ta có những chương trình lớn bảo tồn, trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn, Kinh thành Huế… Ở các đô thị, chúng ta có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Sự mong mỏi của giới chuyên môn, của người dân là bảo tồn, tôn tạo để không xuống cấp, cho người dân cơ hội học hỏi, tham quan, có hiểu biết sâu hơn về những giá trị văn hoá, tinh thần tàng tích trong những di sản đó”

Theo các chuyên gia, chúng ta vẫn đang bị thiếu một cơ chế bảo vệ vững chắc từ những hành lang pháp lý với các di sản kiến trúc trong các đô thị. Đã đến lúc cần nhận diện di sản kiến trúc đô thị, đưa ra một khái niệm thống nhất và các tiêu chí đánh giá cụ thể, đồng bộ để bảo vệ các giá trị di sản, để lịch sử phát triển của đô thị, của dân tộc không bị đứt gẫy.

Như Huỳnh