• 2495 lượt xem
  • 03:09 10/07/2022
  • Văn hóa

Bảo tàng sinh thái: Mô hình mới bảo tồn di sản văn hoá

Bảo tàng sinh thái là một thiết chế văn hoá, một dạng thức bảo vệ tính chỉnh thể của toàn môi trường sinh thái – nhân văn và những di sản sống với nỗ lực không chỉ phục vụ khách tham quan mà phục vụ trước hết dân cư sinh sống trong khu vực thuộc không gian bảo tàng và đặc biệt cộng đồng chủ thể văn hoá.

Thời gian qua đã có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái được phát triển ở nhiều vùng trên cả nước nhằm thu hút khách du lịch đến với các địa phương vùng sâu vùng xa. Không thể phủ nhận rằng chính nhờ các loại hình du lịch này đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế đồng thời cũng giúp các du khách hiểu hơn về văn hoá bản địa. Tuy nhiên đối tượng của các loại hình này là du khách vì nhiều phương thức sinh hoạt cộng đồng được "bày bán" như một mặt hàng để đổi lấy lợi nhuận vì vậy tính thiêng, tập tục cũng như tính chất và chức năng vốn có của di sản có thể bị biến đổi.

Trong khi đó bảo tàng sinh thái là một thiết chế văn hoá, là những di sản sống không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách mà trước hết là lấy cộng đồng trong không gian bảo tàng và việc bảo tồn văn hoá, tính thiêng, tập tục của văn hoá làm trung tâm và cốt lõi.

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia: “Bảo tồn di sản văn hoá trước tiên là phải bảo tồn cả môi trường thiên nhiên nơi nó được hình thành và nó đang tồn tại và môi trường tự nhiên ấy cũng là một thành tố của di sản văn hoá. Thứ hai di sản văn hoá được bảo tồn trong cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng là phải được bảo tồn tại chỗ nơi nó được sáng tạo ra đang tồn tại và tiếp tục được phát huy trong đời sống xã hội hiện nay. Bảo tàng ấy, phải mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.”

PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Bảo tàng sinh thái công chúng rất có lợi ích vì họ được xem giá trị của nền văn hoá trực tiếp. Thí dụ như tôi đang dệt ra một bộ quần áo, đến bảo tàng sinh thái sẽ xem từ trồng bông, dệt vải các hoạt động để sáng tạo hiện vật, nhưng nó rộng lớn hơn nhiều, đó là cộng đồng địa phương kiếm sống, nhận thức về môi trường làm sao, họ vào rừng họ nhận diện giá trị gì khai thác cho cuộc sống được.”

Chính vì vậy, bảo tàng sinh thái lời giải để đáp ứng yêu cầu của cả cộng đồng và chính quyền đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tài nguyên sinh thái cùng toàn bộ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch có trách nhiệm, phát triển cộng đồng và phát triển bền vững.

Văn Thắng