Gần 40 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Huế - một trong những bảo tàng lớn nhất miền Trung với khối lượng hiện vật được lưu giữ khổng lồ vẫn đang phải “sống nhờ, ở đậu" di tích Quốc Tử Giám thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Trong lúc chờ đợi các giải pháp giải quyết triệt để câu chuyện này, việc hoạt động của Bảo tàng này đang gặp muôn vàn khó khăn.
Đây là dãy nhà bên trong di tích Quốc Tử Giám, nơi đã xảy ra vụ hỏa hoạn do chập điện cách đây hơn 1 tháng. Nơi đây từng là khu vực lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu trong cuộc kháng chiến chống Pháp nay đã bị sập một phần mái nhà, nhiều kết cấu bị hư hỏng. Dù không có thiệt hại về người, tuy nhiên vụ cháy đã khiến Bảo tàng phải đưa toàn bộ hiện vật vào lưu giữ trong nhà kho vì không có chỗ để bảo quản.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập vào năm 1982, đóng trụ sở tại di tích Quốc Tử Giám nhà Nguyễn từ đó cho đến nay. Việc phải ăn nhờ ở đậu một di sản khác đã khiến công tác chuyên môn, hoạt động bảo quản lưu trũ, trưng bày của đơn vị này chỉ được triển khai mang tính cầm chừng. Ngay cả việc sửa chữa trụ sở cũng phải cẩn trọng vì phải tuân thủ Luật Di sản và các quy định pháp lý khắt khe khác. Trước thực tế nhiều hiện vật từ thời kháng chiến chống Mỹ phải phơi mưa nắng, không có chỗ trưng bày, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt chủ trương và di dời số hiện vật này đến số 268 Điện Biên Phủ vào năm 2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay đơn vị vẫn tiếp tục đóng chân tại Quốc Tử Giám do khó khăn trong việc bố trí vốn.
Ngoài Bảo tàng Lịch sử, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có các Bảo tàng công lập khác như: Bảo tàng Cổ vật cung đình, Bảo tàng Mỹ thuật… phải “ăn nhờ ở đậu” nơi khác hoặc chưa có trụ sở đàng hoàng. Đây là một thực tế đáng buồn khi Huế là trung tâm di sản, văn hóa lớn của cả nước nhưng việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa vẫn còn mang tính cầm chừng.
Thực hiện : Tiểu Bảo