Báo động tình trạng người dân bị rắn cắn ở Tây Nguyên

Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện do bị rắn cắn. Hầu hết bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ tấn công vào các vị trí như ngón tay, bàn tay và bàn chân. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc, người bị cắn có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Hiện Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch cà phê, cộng với thời tiết mưa nhiều, rắn sinh sôi làm tăng nguy cơ tai nạn do bị rắn cắn. Riêng từ đầu tháng 11 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị rắn cắn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Có ngày cao điểm số bệnh nhân nhập viện do rắn cắn lên đến 7 ca.

Một trong những bệnh nhân bị rắn cắn đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh Ra Ly ở xã Ea Uy, huyện Krông Pắc cho biết vào chiều ngày 19/11 vừa qua, trong lúc đang hái cà phê thuê, thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay. Sau đó, anh được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc, người bị cắn có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Hiện tại, đối với loại rắn lục, bệnh viện đã có huyết thanh giải độc, nên tỷ lệ tử vong đối với các bệnh nhân vào cấp cứu điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn gần như không có.

Để tránh rắn lục đuôi đỏ tấn công, trong quá trình thu hái cà phê người dân trang bị các dụng cụ bảo hộ như găng tay, ủng và đánh động cây trước khi thu hái. Trường hợp bị rắn cắn, để sơ cứu đúng cách cần bình tĩnh nặn nhẹ vết rắn cắn, vệ sinh vùng bị cắn và lưu ý băng ép nhẹ nhàng để giữ vết cắn hạn chế cử động, hạn chế sự di chuyển của nọc độc chứ không phải garo thật chặt, đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp xử lý và được điều trị kịp thời.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Djuang Niê