Bảo đảm tính thống nhất nhưng đặc thù trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng

Sáng 14/3, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS).

Vấn đề được các đại biểu tập trung cho ý kiến, đó là việc bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật khi hiện nay có tới 66 văn bản có liên quan đến lĩnh vực này.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự quốc phòng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh. Tuy nhiên, thống kê có 66 văn bản có liên quan, trong đó có 43 văn bản là bộ luật, luật, pháp lệnh. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để xác định các nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, trong đó có các luật đang trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 5 như: Luật Tài nguyên nước, Luật Viễn thông, đặc biệt là Luật Đất đai.

Công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo lá chắn, vành đai bảo vệ Quân đội, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất việc tiến công, xâm lược Tổ quốc. Vì vậy việc hoàn chỉnh dự thảo Luật này có ý nghĩa, tầm nhìn chiến lược để củng cố quốc phòng nhưng không làm ảnh hưởng đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm không trái Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo đối với các Luật đã thông qua, nhất là các luật đang sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng để không bỏ sót chính sách; báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, khách quan. Đây là luật chuyên ngành, đặc thù có yếu tố bảo đảm bí mật nhà nước nên cần giải quyết hài hòa giữa việc luật hóa và quy định nội bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo cần có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp để tránh ách tắc khi luật có hiệu lực. 

Sỹ Cường