Bảo đảm tiến độ lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thường trực Ủy ban Kinh tế cần chủ động theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ triển khai thực hiện lấy ý kiến Nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm thực hiện tập trung, kiên quyết bám sát tiến độ. Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên làm việc với Thường trực Uỷ ban về kế hoạch công tác năm 2023.

Từ nay đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo dõi việc chuẩn bị dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và tiến độ việc sửa đổi dự án Luật Các tổ chức tín dụng để không tạo khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng hết hiệu lực cuối năm 2023. Đặc biệt, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổng hợp ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo Luật. Tuy nhiên, qua theo dõi, hiện việc triển khai của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về việc này còn khá chậm.

Phát biểu tại buổi làm việc, liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ động đôn đốc các cơ quan của Quốc hội tham gia các nội dung của dự thảo Luật theo phạm vi phụ trách, giải quyết các nhóm vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, giám sát, đôn đốc Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ tập trung tiến độ thực hiện lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổng hợp, thống kê khối lượng, tiến độ thực hiện các công việc đã xác định, xây dựng văn bản báo cáo về tiến độ xây dựng luật, nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương lập pháp, tránh bị động cho các cơ quan của Quốc hội.

Tại cuộc làm việc, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, do còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và tính chất phức tạp của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nên cần đưa hai dự án Luật này thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga