• 3380 lượt xem
  • 20:23 08/05/2022
  • Kinh tế

Bảo đảm quyền đấu giá băng tần cho các đối tượng ưu tiên trong Luật Tần số vô tuyến điện

Ngày 8/5, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3, thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

 Nhấn mạnh, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến là một trong những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các đại biểu tập trung vào những chính sách, vấn đề lớn như: phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; bổ sung quy định trong kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp đặc biệt, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, xác đáng, phù hợp.

Dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ rõ, thời gian gửi hồ sơ dự án luật tới cơ quan thẩm tra của Quốc hội chưa bảo đảm đúng với quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Riêng vấn đề nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội chưa đánh giá tác động đầy đủ cũng như tham vấn, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan theo quy định.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, Chính phủ khi quy định chi tiết thi hành luật, cần xác định cụ thể việc đấu giá đối với các băng tần có đối tượng ưu tiên cần phải được bảo đảm quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Liên quan đến các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng an ninh thực hiện theo cơ chế phân bổ, không áp dụng cơ chế đấu giá, thi tuyển, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bởi nếu các tần số có giá trị thương mại cao thì nhà nước có thể thất thu một phần ngân sách về giá trị đấu giá, thi tuyển, phí sử dụng băng tần và không đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trong sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghiên cứu, mở rộng đối tượng được thi tuyển nhằm thu hút các nhà đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bích Hạnh