Báo cáo thẩm tra Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

Sáng 04/1/2022, tại nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đối với Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật)

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí việc sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc, vì quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; đồng thời, liên quan đến điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm uy tín của Việt Nam... Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể.

Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Đa số ý kiến đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C. Có ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ.

Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án; trường hợp làm thay đổi phân loại dự án, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) (Điều 2 dự thảo Luật)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 12 Luật PPP. Đề nghị bổ sung, làm rõ việc thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về thẩm quyền thu hồi đất đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương nhóm B, C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nay được phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp phát sinh vướng mắc, có cách hiểu khác nhau sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với Luật Đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật)

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 và bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33): Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt: Để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện; đa số ý kiến đề nghị quy định rõ theo hướng đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”; tách thành tiểu mục riêng quy định liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực I và II của các di sản; bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.

Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành sự cần thiết nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản, do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất. Đối với việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất thuộc dự án đầu tư mà không phải là đất ở, để bảo đảm sự kết nối với quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của Luật Nhà ở và pháp luật về đất đai, bảo đảm sự minh bạch về thủ tục đầu tư, đề nghị làm rõ các điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình nhà đầu tư thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; giá trị của văn bản thẩm định về đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư) khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về kỹ thuật lập pháp, đề nghị thể hiện trong một điều riêng của dự thảo Luật nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở mà không ghép trong Điều 3 về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Ủy ban Kinh tế  đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh  sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời, chỉ đạo rà soát Danh mục theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Đối với Luật Đấu thầu (Điều 4 dự thảo Luật)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật. Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị bổ sung quy định tại Điều 34a về việc thực hiện trước các hoạt động phải tuân thủ các quy định khác có liên quan của Luật Đấu thầu. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định đầy đủ, chặt chẽ, khả thi những vấn đề mang tính nguyên tắc; báo cáo tiến độ ban hành Nghị định, đáp ứng tính cấp thiết, cấp bách của chính sách. Có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là các nhà thầu thực hiện hoạt động mua sắm cho dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Đối với Luật Điện lực (Điều 5 dự thảo Luật)

Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực; việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi tổng thể Luật Điện lực, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật.

Về chính sách phát triển điện lực (khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực), về vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự chặt chẽ vì: Một là, lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần vận hành. Hai là, quy định tại dự thảo Luật chưa thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW để bảo đảm yếu tố “độc lập” trong vận hành lưới điện truyền tải “dưới sự kiểm soát của Nhà nước”. Đề nghị cần quy định cụ thể và phù hợp hơn.

Về thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực truyền tải điện. Đồng thời, trong Quy hoạch điện cần xác định 2 danh mục dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng và do tư nhân đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, đề nghị chuyển quy định “quyền đấu nối” tại Điều 4 như dự thảo Luật về Điều 40 về “Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện”.

Kiến nghị một số nội dung khác cần xem xét sửa đổi, bổ sung, về giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện: đề nghị trước mắt, Chính phủ có phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan về giá, phí gửi kèm hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội.

Về việc bàn giao lưới điện truyền tải cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Đối với Luật Doanh nghiệp (Điều 6 dự thảo Luật)

Ủy ban Kinh tế tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 49, 50, điểm d khoản 1 Điều 109, khoản 1 và khoản 2 Điều 148 như dự thảo Luật.

Về việc ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158), đề nghị tiếp tục xem xét, chỉnh lý về mặt kỹ thuật để bảo đảm chặt chẽ (Ý kiến cụ thể xin xem Báo cáo đầy đủ).

Về đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (khoản 5 Điều 217), về quy định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước: Hiện nay, khái niệm, điều kiện xác định “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” chưa được quy định tại các văn bản luật mà được hướng dẫn tại văn bản dưới luật. Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn đến mở rộng phạm vi “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do các cổ đông khác ngoài Nhà nước nắm giữ. Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là quy định nhất quán kể từ năm 2014 đến nay.

Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng xác định rõ đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, qua rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm, điều kiện xác định doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đề nghị quy định rõ “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Về mở rộng đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có 100% vốn điều lệ được nắm giữ bởi doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Cần cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Tờ trình của Chính phủ chưa nêu cụ thể văn bản quy định cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp không thực hiện được. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc sửa đổi quy định của Luật khi còn đang tiến hành rà soát, sắp xếp lại. Vì vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 7 dự thảo Luật)

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính-Ngân sách (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung này của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song đề nghị cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi và đánh giá tác động, phân tích sâu hơn nhằm đạt mục tiêu chính sách. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế TTĐB, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022, để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu NSNN.

Đa số ý kiến nhất trí với hướng thiết kế các mức thuế suất theo 2 bước như đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2-3 năm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sản xuất trong nước cơ bản đã hoàn thiện được hệ thống hạ tầng và sản xuất trong nước khoảng 9.500 xe và việc giảm thuế sâu, kéo dài trong nhiều năm sẽ tác động tiêu cực ngay đến các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đối với xe chạy bằng xăng dầu khi không có đủ thời gian, công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi kịp thời sang dòng xe điện chạy pin.

Đối với Luật Thi hành án dân sự (Điều 8 dự thảo Luật)

Ủy ban Tư pháp (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành với dự thảo Luật về các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 và Điều 57 Luật Thi hành án dân sự đã tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến tại Thông báo số 558/TB-TTKQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Ủy ban Kinh tế nhận thấy các luật có quy định sửa đổi, bổ sung thuộc dự án Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh độc lập và điều kiện bảo đảm thi hành khác nhau, vì vậy, cần quy định về việc áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của từng quy định sửa đổi, bổ sung, phù hợp với quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện (Ý kiến cụ thể với từng nội dung sửa đổi, bổ sung xin xem Báo cáo đầy đủ).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, với báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, Ủy ban Kinh tế thay mặt Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội báo cáo và đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề nêu trên trong quá trình thảo luận tại tổ và tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.