Báo cáo Quốc hội những vấn đề lớn tác động đến đời sống người dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các báo cáo cần bổ sung một số vấn đề lớn có tác động, liên quan đến giá cả, đời sống và tâm tư nguyện vọng của người dân.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các Báo cáo cần bổ sung kết quả đổi mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét hàng tháng về công tác Dân nguyện, qua đó tạo nề nếp, chuyển biến của các Bộ ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri; đánh giá thêm tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, có dự án dù đã triển khai nhưng dân vẫn khiếu nại. Ngươi dân, cán bộ cơ quan cấp tỉnh mong muốn Quốc hội sửa Luật Đất đai liên quan đến giá đất, bồi thường để tháo gỡ vấn đề cử tri quan tâm.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5: 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Cùng với đó, những vấn đề người dân lo lắng liên quan đến đời sống hàng ngày cũng cần được tổng hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Giá vật tư nông nghiệp đang tăng từng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống. Sau Covid-19, tình hình giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng, các công trình xây dựng, sắt thép, xi măng, đá cát tăng thì người dân cũng băn khoăn lo lắng.”

Chung quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một vấn đề rất lớn cần tổng hợp, đó là tác động nặng nề, lâu dài của đại dịch Covid-19 đến người dân, đời sống của công nhân, người lao động khó khăn, giá cả tăng, giá xăng tăng mạnh mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 1 nửa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Rõ ràng tình hình giá cả, yếu tố chỉ số giá tiêu dùng nhất là nhóm liên quan trực tiếp đến tiêu dùng của nhân dân, gắn với đó là vấn đề rút BHXH một lần, không phải là vấn đề người lao động không thấy được lợi ích thiết thực của duy trì BHXH để sau này hưởng lương hưu, mà quan trọng nhất giai đoạn này là tác động đến đời sống người ta, rất khó khăn. Các đồng chí có số liệu đánh giá tình hình so với trước đây và liên quan là đề xuất của Hội đồng tiền lương đến điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong khu vực sản xuất... Cử tri và người lao động băn khoăn về vấn đề này, nên chăng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, có động thái về vấn đề này."

Cùng với các vấn đề đời sống liên quân đến giá, lương, tiền, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cử tri nhân dân còn lo lắng, băn khoăn về tình trạng bất ổn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Báo cáo cũng cần bổ sung những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Giáo dục, y tế thì giờ đã khác rồi nhưng hướng dẫn 5K của cơ quan có thẩm quyền giờ như thế nào? Hay vấn mà cử tri còn ý kiến khác nhau về tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi thì Báo cáo Dân nguyện và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xem xét vấn đề này. Chúng ta đưa học sinh trở lại trường học thì cũng đánh giá thêm dư luận quần chúng nhân dân về vấn đề này, hay quá tải hay không quá tải, sách giáo khoa hay tới đây là thi Phổ thông trung học và tuyển chọn và đại học, đây là những vấn đề rất lớn.”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo. Ngoài việc hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 để gửi tới Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội tới đây, đồng thời có Thông báo cho các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện.

Hoàng Hương