Bàn về Luật Đấu thầu: Đấu thầu dự án có sử dụng đất hiệu quả kinh tế - xã hội tốt hơn đấu giá nhưng lại ít áp dụng

Hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với dự án có sử dụng đất sẽ làm cho dự án phải được thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, giúp tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong những quan điểm trình bày tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường chủ trì Hội thảo. 

Bàn về hình thức đấu giá và đấu thầu dự án có sử dụng đất, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất cần dược áp dụng đối với tất cả các dự án đầu tư mà nhà nước thu hồi đất có mục tiêu lợi nhuận, kể cả trường hợp đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Đấu giá đất thì áp dụng cho mọi trường hợp dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư chủ động tìm kiếm quỹ đất trên thị trường để thực hiện các dự án chỉ vì lợi ích của riêng mình, không gắn với lợi ích quốc gia, công cộng.

GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đấu giá có thể có hiệu quả chúng ta thu được do giao đất cho thuê đất cao, tuy nhiên hiệu quả phát triển kinh tế cũng như hiệu quả thu được giá trị đất đai tăng thêm của quá trình đầu tư là không làm được. Cái chính là lựa chọn đấu thầu. Ở đây có quan điểm cho rằng nhà nước bán quyền sử dụng đất qua đấu thầu theo tôi là không đúng. Ở Mỹ cũng có đấu thầu, vấn đề là quy chế đấu thầu là thế nào”.

Đánh giá hai phương pháp đấu giá và đấu thầu, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đem lại hiệu quả bền vững hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Đấu giá có thể đạt được tiền đất tốt thu vào ngân sách, tuy nhiên khi nhà thầu thắng trong cuộc đấu giá đấy, được giao đất 50 năm, không làm dự án thì sao, gây lãng phí, không đóng góp gì cho đất nước. Trong khi nếu đấu thầu thì sẽ phải làm dự án, và dự án phải phát huy tác dụng, đóng góp tăng trưởng kinh tế”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng Luật Đấu thầu sửa đổi cần được nghiên cứu kĩ lưỡng, phải gỡ được những điểm vướng mắc tồn tại hiện nay chứ không thể lại làm vướng hơn. Đơn cử như vấn đề đấu giá hay đấu thầu, nếu theo quy định hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như hiện nay thì chưa có địa phương nào lựa chọn được nhà đầu tư qua đấu thầu.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Vì trước đây, theo quy định cũ thì giới thiệu địa điểm, sau đó chuyển qua chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó lại có quy định mới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tức là vùng đất này ví dụ 100ha, dân đang ở thì có quy hoạch làm khu đô thị, thì thay vì có 1 doanh nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, dân không đồng ý thì phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thì vướng rất nhiều”.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật Đấu thầu sửa đổi cần phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong hoạt động đấu thầu, hạn chế và loại trừ thất thoát vốn ngân sách nhà nước. Việc sửa đổi phải đảm bảo mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu, hoàn thiện các quy định về hình thức, phương thức tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đảm bảo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, hoàn thiện quy định về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất trong nước cho doanh nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi luật cần phải có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột với các luật có liên quan.

Nguyễn Hùng