Băn khoăn về cơ sở pháp lý của bán thuốc online qua phòng khám

Trong thời gian qua, việc triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” đã mang lại những hiệu quả rõ rệt đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm chi phí BHYT, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên hiện do chưa có luật khung hướng dẫn nên hoạt động này đang gặp những khó khăn nhất định.

Đây là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với Chuyên đề tập trung: Quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức.

Lợi ích của việc khám chữa bệnh từ xa được cho là  rất rõ rệt, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động này chưa được luật hóa, đặc biệt, việc ký đơn thuốc từ xa cũng còn nhiều vướng mắc.

Ông NGUYỄN HUY QUANG - Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế: “Chúng ta chưa gắn với vấn đề bán thuốc theo đơn, hiện nay vừa kê đơn điện tử nhưng vừa bán thuốc theo đơn, có 1 hệ thống. Bán thuốc online qua phòng khám thì quy định như thế nào? Cho phép hay không cho phép. Cho phép thì đáp ứng điều kiện gì để thực hiện? Khi có tranh chấp về mặt pháp lý, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm chính và đây là cơ sở để  giải quyết tranh chấp pháp lý liên quan”.

Bên cạnh đó, hiện có tình trạng phổ biến không công nhận kết quả  giữa các sở y tế  do vậy, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật lần này cần  cân nhắc kỹ vấn đề này.

Bà NGUYỄN THỊ THU DUNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào khi các cơ sở y tế ở dưới phải cung cấp kết quả lâm sàng của bệnh nhân, bệnh nhân vừa chụp chiếu buổi sáng xong, chuyển lên tuyến trên vẫn phải chụp lại , xét nghiệm lại bởi những chỉ số nó thay đổi từng giờ, do vậy đây là hạn chế trong khám chữa bệnh từ xa cần khắc phục”

Từ đầu năm 2021 có 26 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 81%); kết nối với 1.261 bệnh viện tuyến dưới. Để hoạt động khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả lâu dài thì bên cạnh các yêu cầu về nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị cũng đòi hỏi cần sớm có một hành lang pháp lý với những chính sách phù hợp và cơ chế thanh toán rõ ràng thông qua quỹ BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của cả bác sĩ và người bệnh.
 

Như Thảo