Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những giải pháp căn cơ và hữu hiệu để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Mới đây, tại Hà Giang, khi tiến hành thanh tra tại 6 đơn vị trên địa bàn, cơ quan thanh tra của địa phương này đã phát hiện sai phạm, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra tại các đơn vị cho thấy, có 21 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn chưa đúng với các quyết định đã được UBND tỉnh, Sở Y tế phê duyệt. Kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Giang cũng chỉ rõ 3 đơn vị, trong đó có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này đã có sai phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Hà Giang là một trong số không nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trên địa bàn. 

GS.TS PHẠM HỒNG TUNG - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội: Tính chất nghiêm trọng là tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương mà đáng nhẽ là không bao giờ được phép xảy ra, như trong lực lượng vũ trang, lực lượng y tế. Những vấn đề an ninh quốc gia, an ninh sức khoẻ của cộng đồng, đáng lẽ  phải tuyệt đối trong sạch, không được xảy ra chuyện đó”.

Thời gian qua, công tác phát hiện và xử lý tiêu cực, sai phạm tại một số địa phương đã được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm được đẩy nhanh. Tại TPHCM, vừa qua toà án nhân dân thành phố này đã tuyên án đối với ông Tất Thành Cang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ về hàng loạt sai phạm trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim nhưng không thông qua đấu giá gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó, thất thoát tài sản Nhà nước gần 670 tỷ đồng. Năm 2021, các địa phương cũng khởi tố, điều tra 390 vụ án tham nhũng với 1.001 bị can, cao gần gấp rưỡi so với trung bình của các năm trước đó. 

PGS.TS NGUYỄN QUỐC BẢO - nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Thứ nhất nó thể hiện quyết tâm của Đảng, quyết tâm của cả xã hội ta trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống biểu hiện vi phạm pháp luật. Đây là quyết tâm mà Tổng Bí thư đã nói là ”không lùi, không ngừng nghỉ, làm liên tục, làm quyết liệt, xử đúng người, đúng tội trên tinh thần là kỷ cương phép nước nghiêm minh". 

GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Đấy là một nỗ lực lớn để lấy lại niềm tin của nhân dân, mà Đảng ta đã khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng là một tài sản vô giá, thiêng liêng không thể đánh mất; trong khi tham nhũng là đối lập với dân chủ, là phản cảm lớn nhất trong xã hội. Nếu chống được tham nhũng thì chúng ta sẽ tăng cường được sự trong sạch của Đảng, nhất là có được sự ủng hộ bền vững của nhân dân”. 

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, thế nhưng, trên thực tế, chỉ khi có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì những vụ án lớn mới được làm sáng tỏ. Từ thực tế, đó việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực sẽ phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cũng như cán bộ, đảng viên và toàn xã hội trong công tác này.

PHÁT HIỆN THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TỪ SỚM, TỪ XA

Không có giải pháp nào nhanh hơn, tốt hơn để chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bằng việc giải quyết vấn đề tại chỗ. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được kỳ vọng là sẽ góp phần “chia lửa” với Trung ương, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc đòi hỏi sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cho nên nếu thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời sát với yêu cầu, thực tiễn của từng địa phương. Vì vậy, đây là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đồng tình.

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - Phó Chủ tịch HĐKH các Cơ quan Đảng Trung ương: “Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra ở một địa phương mà xảy ra ở rất nhiều địa phương. Ở một địa phương thì không phải chỉ với một người mà xảy ra với một nhóm người. Thực hiện điều đó ở cấp tỉnh là rất cần thiết và cấp bách, cần thiết thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ở địa phương mình và chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng ở địa phương mình chứ không dồn tất cả lên Trung ương”. 

Trước thực trạng tham nhũng đã và đang có những diễn biến phức tạp, tinh vi ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, các chuyên gia nhận định, việc Trung ương nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ chỉ đạo một cách trực tiếp, thường xuyên, góp phần phát hiện từ sớm và giải quyết tại chỗ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. 

Luật gia NGUYỄN HỒNG TOÁN - Hội viên Hội Luật gia Việt Nam: “Cấp tỉnh có Ban chỉ đạo này sẽ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Trung ương đưa ra vấn đề này là đi vào lòng dân. Đảng viên, cử tri, nhân dân và cá nhân tôi tin tưởng lắm”. 

Ông NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tôi cho rằng, đây là một cấp có chức năng nhiệm vụ thực sự, để giúp Trung ương ở địa bàn dân cư mình giải quyết tình trạng Đại hội XIII đã chỉ ra là một số địa phương chưa chú trọng vào phòng chống tham nhũng và tiêu cực, mà tiêu cực thì ở đâu cũng có”.

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đòi hỏi Bí thư cấp uỷ phải quyết liệt, công tâm, trung thực để giải quyết dứt điểm, kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương mình. 

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - Phó Chủ tịch HĐKH các Cơ quan Đảng Trung ương: Bởi vì chính đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo thì ban chỉ đạo cấp tỉnh này sẽ chỉ đạo một cách trực tiếp công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương. Đồng thời, cấp ủy địa phương là nơi gần dân nhất, là nơi nắm được tất cả các hoạt động của các sở, ban, ngành các tổ chức ở địa phương, nắm được các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương, nắm được đội ngũ đảng viên ở địa phương”.

TẠO ĐỘT PHÁ TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở ĐỊA PHƯƠNG

Việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ là mô hình hiệu quả vì không làm tăng biên chế ở địa phương, đồng thời khi có tổ chức, bộ máy, ban chỉ đạo này sẽ phát huy trí tuệ tập thể để xử lý tốt hơn các vấn đề, vụ việc  tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Là một lĩnh vực khó, nhạy cảm và cần quyết tâm chính trị rất cao, vì vậy theo Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải gồm những người đứng đầu ở cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức hữu quan giữ vai trò trọng yếu ở địa phương, trực tiếp quyết định những công việc có liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - Phó Chủ tịch HĐKH các Cơ quan Đảng Trung ương: Công cuộc phòng chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Làm thế nào để tất cả các địa phương trong nước ta phải đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, bí thư các tỉnh, thành trong cả nước. Nếu tại 63 tỉnh thành, chúng tôi đề nghị là tất cả các bộ ngành, mà chúng ta thành lập được ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thì sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng vào sự nghiệp phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thành phần Ban Chỉ đạo cần đa dạng, cần bảo đảm sự có mặt các cơ quan nội chính, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các thành viên, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. 

Ông ĐỖ HÙNG CƯỜNG - nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Theo dõi, giám sát nội bộ cơ quan phòng chống tham nhũng cấp tỉnh và các cơ quan khác cũng phải phát huy được trách nhiệm của mình theo chức năng nhiệm vụ được quy định hành lang pháp lý được quy định cấp uỷ viên để kịp thời giám sát. Nếu là giám sát thì vỗ vai nhắc nhở, nếu là kiểm tra thì phải có kết luận rõ ràng chỉ ra vi phạm hay không vi phạm”.

Để phát huy được hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các địa phương cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; bên cạnh quy chế hoạt động cũng cần rạch ròi về chế độ làm việc, quan hệ công tác, thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại địa phương.

GS.TS PHẠM HỒNG TUNG - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội: Làm thế nào để sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như là Đảng viên phải được phát huy cao nhất tạo nên hệ thống miễn dịch cho toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta, sau đó là cho toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam”.

Ông NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Tham nhũng thì thường xã, phường người ta biết nhiều hơn, Đảng cần quan tâm đến giám sát của nhân dân. Đảng làm sao khơi dậy được sức mạnh để người ta dám nói, chứ người ta cứ sợ đấu tranh rồi “tránh đâu” là chết, nhất là với người có chức, có quyền”.

Vũ Hiếu