Bắc Giang: 61/134 công trình nước sạch không hoạt động, gây lãng phí, xử lý thế nào?

Sáng 22/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Lãng phí trong đầu tư các công trình nước sạch là vấn đề được Đoàn giám sát nêu lên tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giám sát là xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc ban hành, vướng mắc về chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK CLP) cũng như việc triển khai để thực chất công tác này, qua đó tháo gỡ những điểm nghẽn cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Trên tinh thần đó, cuộc giám sát này sẽ tập trung vào 7 nội dung trọng tâm, 4 vấn đề trọng điểm về lĩnh vực công; đồng thời xem xét việc thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra, kiểm toán.

Theo tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn này, tỉnh đã thực hiện tiết kiệm dự toán chi thường xuyên hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra,  tỉnh đã chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Tỉnh quan tâm đến việc quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá, cát, sỏi được tăng cường, với hơn 1.400 trường họp vi phạm bị kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên theo Tổ công tác, Đến nay, đang có 24 dự án chậm đầu tư, chưa đưa đất vào sử dụng, với hơn 78ha. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết thu hồi các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích; xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Việc đầu tư các công trình nước sạch còn lãng phí, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có 61/134 công trình không hoạt động. Đây là vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra khi sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Với 1 con số biết nói thế này, đây rõ ràng lãng phí. Tuy nhiên trong báo cáo mới chỉ ra được biện pháp khắc phục trong thời gian tới, không rõ nguyên nhân. Từ khâu thiết kế, khảo sát, thẩm định đã đặt ra vấn đề trách nhiệm. Ai phê duyệt chủ trương đầu tư này? Ai quyết định đầu tư? Nguồn vốn nào?.” 

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Chứng tỏ đầu tư hơn 60 trạm này không hiệu quả. Vậy ở đây liên quan tới chuyện có chăng khi thực hiện Chương trình Nông thôn mới thì tiêu chí phải có nước sạch, vậy có chạy theo thành tích đó không, nên các công trình công suất quá nhỏ, không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới không hoạt động.” 

Từ vấn đề này, đoàn giám sát cũng đặt ra vấn đề xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khi toàn tỉnh đã triển khai hơn 400 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý hành chính với 109 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Ông VŨ HUY KHÁNH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Sau khi có kiến nghị xử lý hành chính thì hình thức xử lý là kiểm điểm, rút kinh nghiệm với 109 tổ chức. Phải chăng nếu không phải hình sự thì kiến nghị xử lý hành chính chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và các hình thức kỷ luật hành chính khiển trách, cảnh cáo còn việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn là 1 khoảng trống đúng không?."

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác như: việc chuyển nguồn, quản lý sử dụng vốn ODA, tình trạng nợ đọng thuế, các dự án đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản; quản lý lao động và sử dụng lao động cũng được các thành viên đề nghị tỉnh báo cáo làm rõ khi THTK, CLP. 

Khắc Phục