95,58% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Với 476 đại biểu tán thành, chiếm 95,58%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Một trong những điểm mới của luật là quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định theo Điều 86a. 

Theo đó, nếu thuộc kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước sẽ được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ một cách tự động và không bồi hoàn. Nếu là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước thì tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ một cách tự động và không bồi hoàn. 

Luật cũng quy định không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ,  những hành vi sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, người biểu diễn bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn; đồng thời quy định rõ về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; giới hạn quyền tác giả. 

Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu; kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, Luật đã bổ sung cho phù hợp với bản chất độc quyền của quyền tác giả, đồng thời bổ sung, chỉnh lý các quy định về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp trong luật. 

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, luật giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, bao gồm cả phạm vi miễn trừ. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.