7 năm, 4 nghị quyết, không công trình nào hoạt động: Quảng Nam "quyết" đầu tư công cho nước sạch miền núi

Người dân miền núi vẫn tin rằng “nước trời không bao giờ cạn”. Thế nhưng thực tế vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên xảy ra ở các huyện vùng cao, trong đó có tỉnh Quảng Nam. Trong 2 nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã có đến 04 Nghị quyết, tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch miền núi nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào chính thức đi vào hoạt động.

Tình trạng thiếu nước vào mùa khô vào những năm gần đây ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng đặc biệt nghiệm trọng. Nhất là ở các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Ông LÊ QUANG TRUNG, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam: "Ở Phước Sơn cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống thuỷ lợi và nước sinh hoạt cho nhân dân. Mùa mưa bão 2020 đã tàn phá nhiêù công trình thuỷ lợi và nước sinh hoạt. Hiện nay huyện đang tích cực bằng nhiều nguồn vốn để khắc phục tạm thời và cố gắng đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô này cũng như tưới tiêu một số diện tích còn lại trên địa bàn.”        

Tại phiên chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá 10, thu hút đầu tư các công trình nước sạch cho miền núi tiếp tục làm nóng hội trường. Trong 7 năm, 4 nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam đã ra đời để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch miền núi, nhưng hiện chỉ có 2 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, và chưa có một công trình nào chính thức đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho người dân.

Ông PHẠM VIẾT TÍCH, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam: "Chúng ta có nghị quyết đó nhưng có những cái khó. Thứ nhất là cơ chế hỗ trợ không đảm bảo, đặc biệt là miền núi. Hỗ trợ đầu tư thấp quá thì các doanh nghiệp đầu tư họ phải tính tới chuyện lời lỗ, thu được lợi nhuận không? Tuy nhiên ở miền núi thì mọi người biết rồi, các đô thị miền núi dân ít, dẫn đến thu tiền nước rất ít.”

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do thời gian sử dụng nước ở khu vực miền núi ít, tập trung vào cao điểm nắng nóng, khi nguồn nước tự nhiên khánh kiệt.

Ông LÊ TRÍ THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Số lượng người dùng quá ít, chi phí đầu tư ở khu vực miền núi, duy tu, bảo dưỡng, thiên tai, hư hỏng, nhiều vấn đề đặt ra nên rất khó khăn. Nếu bây giờ muốn quyết tâm cho miền núi có nước sạch thì chúng ta phải đầu tư công. Thuê đơn vị quản lý vận hành, tính đầy đủ để đảm bảo hiệu quả cho người ta vận hành. Không tính khấu hao để giá nước người dân miền núi chấp nhận được.”

UBND tỉnh Quảng Nam sẽ lên kế hoạch xây dựng một chương trình cấp nước sạch cho miền núi theo hình thức đầu tư công, trình Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực HĐND tỉnh thông qua. Trước đó, Quảng Nam cũng đã hoàn thành xong chương trình hỗ trợ 100% đường ống nước cấp 2, cấp 3 cho khu vực miền núi để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực nước sạch miền núi. 

Mỹ Phượng - Lê Quang