60% thị trường quảng cáo thuộc về nền tảng truyền thông xuyên biên giới

Chiều 26/9, Ủy ban Văn hóa Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng 3 cơ quan báo chí VTV, VOV, TTXVN về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiện chương trình công tác năm 2023 và quản lý sự dụng NSNN trong lĩnh vực truyền thông.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% thu thường xuyên của cơ quan báo chí, gần 80% nguồn thu còn lại đến từ dịch vụ quảng cáo, thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi có sự tham gia của các nền tảng truyền thông xuyên biên giới, 60% thị trường quảng cáo đã thuộc nhóm đối tượng này. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng kinh tế báo chí, mà còn khiến cho nguồn thu quảng cáo có khả năng chảy vào những nguồn tạo thông tin xấu độc, không quản lý được.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Luật báo chí không động chạm gì đến nền tảng số và các môi trường truyền thông khác. Chính vì chúng ta chậm về thể chế nên các nền tảng xuyên biên giới nó mạnh lên vì nó nằm ngoài vòng pháp luật. Nên ng ta hay nói các ông VN bị quản rất chặt mà bên ngoài thì không bị quản gì.”

Đây cũng là căn nguyên gây ra một số vụ việc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thời gian gần đây. Điều này đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về cả ngân sách và chính sách đối với các cơ quan báo chí; đồng thời đặt ra yêu cầu chuyển mình của cơ quan báo chí trong tình hình mới.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Tôi cũng đồng ý là phải đẩy mạnh chuyển đối số, nếu không làm nhanh thì sẽ qua mất… Ví dụ như bên VTV, dù tiềm lực lớn, nguồn thu rất lớn, nhưng nếu không có hỗ trợ từ nhà nước thì chắc cũng không thể chuyển đổi được…"

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, lĩnh vực truyền thông thời gian qua cũng đã đạt được 1 số thành tựu, giải quyết các vấn đề nóng. Trong đó, bộ tiêu chí “báo hóa” mạng xã hội, trang tin điện tử đã được ban hành, từ đó làm căn cứ xử phạt các trang tin sai phạm.

Như Huỳnh