25 vấn đề mới trong Nội quy kỳ họp Quốc hội sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Sáng 13/8, Uỷ ban Pháp Luật tổ chức cuộc họp thẩm tra sơ bộ dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Dự cuộc họp có Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, trưởng ban soạn thảo.

Theo Tờ trình, Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 25 vấn đề mới trong đó đáng chú ý như: Bỏ quy định thời gian tuyên thệ;  Bỏ quy định về việc thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết; Bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến; Bổ sung một số thẩm quyền cho Chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể để bảo đảm phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, tăng tính tranh luận, phản biện, đồng thời vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội với các mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết được nêu trong tờ trình. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung và nhấn mạnh việc ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải đáp ứng được các mục tiêu, quan điểm về bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chủ động, tranh luận trong các phiên họp, cuộc họp; phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; bảo đảm khoa học, chặt chẽ, sát thực tiễn, khả thi, chuyên nghiệp cao và công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Diệu Huyền