• 16216 lượt xem
  • 03:01 04/02/2022
  • Văn hóa

21 năm không thấy ngoài tự nhiên, hổ ở Việt Nam đã tuyệt chủng?

21 năm, Việt Nam chưa ghi nhận được hình ảnh hổ ngoài tự nhiên. Đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi, tương lai nào cho loài hổ ở Việt Nam?

>> Về Làng Thuỷ Ba nghe nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện bắt cọp

DẤU TÍCH CỦA HỔ

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam: Trước đây từ năm 90 trở về trước, đi thực địa thỉnh thoảng gặp được hổ, nếu không gặp được chính con hổ thì chúng tôi gặp được dấu. Không thì chúng tôi trò chuyện với người dân, người dân họ nói chính xác lắm.

Cả cuộc đời gắn với thiên nhiên, sinh vật, dù đã ngoài 90 tuổi nhưng kí ức về những chuyến đi thực địa, những lần tận mắt trông thấy hổ, thấy dấu tích của loài động vật oai hùng này dường như vẫn nguyên vẹn qua lời kể của ông. Ông cũng chia sẻ, trước hổ nhiều lắm, Tây Bắc cũng có, Tây Nguyên còn nhiều hơn. Ngay tại Dốc Kun Hòa Bình thôi, bộ đội thời ấy gặp rất nhiều, ai sơ sẩy có khi còn bị hổ tấn công. 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam. Từ chỗ hàng nghìn con cá thể hổ, cho đến nay thật sự là theo tài liệu, theo nghiên cứu điều tra của chúng tôi thì các vị đó cũng cho tôi biết là hiện nay vẫn còn hổ nhưng còn rất ít.

Ngược dòng thời gian, Theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm năm 2001, quần thể hổ trong toàn quốc ước tính có thể còn trên 100 con.  Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng từ 24 - 47 con. Nguy cấp hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của WWF cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới  5 con và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trên thực tế, hình ảnh gần đây nhất ghi nhận về sự tồn tại của một con hổ hoang dã trong tự nhiên chính là bức ảnh do bẫy ảnh chụp được tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vào năm 1998. Cũng vào năm này, một người dân ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bẫy được một "chú" hổ con, cá thể hổ này đã được kiểm lâm thu giữ, sau chuyển về nuôi tại Vườn thú Hà Nội, được đặt tên là Lâm Nhi. Kể từ thời điểm đó đến nay đã hơn 21 năm, hình ảnh hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam ngày càng mơ hồ và không xuất hiện lại. Dù đến thời điểm này, chưa có một công bố nào về việc Hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã tuyệt chủng hay chưa? Thế nhưng, việc nghi ngờ “hổ đã tuyệt chủng” ngoài tự nhiên ở nước ta cũng là lẽ thường tình. 

Bà Bùi Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV: Theo số liệu của tổ chức WWF thì năm 2016 Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ ở trong tự nhiên và cái con số này cũng không phải là con số được ghi nhận tại thời điểm đó mà nó chỉ là mang tính chất dự đoán thôi bởi vì từ năm 2009 thì WWF cũng đã không ghi nhận bất cứ hình ảnh cá thể hổ nào trong tự nhiên ở Việt Nam. Và có rất nhiều nguồn thông tin hiện nay cho rằng, hổ ở Việt Nam đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Thái  - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam: “Tôi cũng không thể khẳng định được rằng hổ ở tự nhiên ở Việt Nam đã tuyệt chủng hay chưa, mặc dù vậy thì 21 năm nay chúng ta không hề bắt gặp hoặc nhìn thấy hoặc chụp được bất kì cái hình ảnh nào của hổ ở ngoài tự nhiên ở Việt Nam cả và rất có thể nó đã bị tuyệt chúng”. 

Rừng bị tàn phá…..

Thú rừng trở thành món hàng được ưa thích…..

Xương hổ, da hổ được coi là những vật phẩm quí, có giá trị cao……

Đó chính là lí do vì sao loài hổ ở ngoài tự nhiên Việt Nam lại suy giảm trầm trọng.  “Nhà” bị mất, “ thức ăn” thì thiếu thốn, “bản thân” lại trở thành món hàng được truy lùng ráo riết, việc hổ có thể tồn tại trong điều kiện như vậy là gần như không thể. 

Bà Bùi Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV: Theo cơ sở dữ liệu các cái vi phạm về động vật hoang dã của ENV thì chỉ riêng trong năm 2021 thì ENV đã ghi nhận 581 các vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, trong đó chủ yếu là các hành vi quảng cáo, buôn bán cá thể hay sản phẩm, bộ phận của hổ trên internet. Cái con số này trong năm 2020 chỉ là gần 400 vụ việc, và trước đó là hơn 200 vụ việc trong năm 2019. Những con số này cho thấy nhu cầu tiêu thụ hổ, các sản phẩm từ hổ đang càng ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, đẩy loài hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng.

Có lẽ lúc này, việc vì sao hổ lại đứng trên bờ của sự tuyệt chủng, là động vật nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam là điều mà ai cũng rõ. Chúng ta có thể đã mất hổ trong tự nhiên, và cần phải nghĩ đến một tương lai khác cho loài hổ ở nước ta.

TƯƠNG LAI CỦA HỔ Ở VIỆT NAM

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội được thành lập từ năm 1996, cho đến nay trung tâm đã cứu hộ gần 700 cá thể động vật hoang dã, trong đó hiện nay có 36 cá thể hổ. Tất cả các cá thể hổ khi được đưa về đây đều là tang vật của các vụ án buôn bán, giam cầm trái phép, và có cả trường hợp cá thể hổ được sinh ra tại đây. Điều đáng nói, trung tâm được thành lập với mục đích để cứu hộ - nghĩa là đưa các loài động vật hoang dã được giải cứu trong các vụ việc vi phạm pháp luật để về chữa chị hoặc chăm sóc trước khi thả về rừng. Tuy nhiên thực tế diễn ra tại trung tâm thì không phải loài động vật nào cũng có thể thả về rừng, đặc biệt là những cá thể  hổ.

Ông Lương Xuân Hồng – Giám đốc Trung tâm Giáo dục cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Hiện nay ở trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nỏi riêng thì việc thả các thể hổ về rừng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là phụ thuộc vào bản thân các cá thể hổ, cái  tập tính thiên nhiên đã đầy đủ chưa, bản năng săn mồi, trốn tránh khi gặp nguy hiểm? Những tập tính đó rất quan trọng. Bên cạnh đó, môi trường rừng công tác bảo vệ rừng cũng phải được phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu thì việc thả những con hổ trong môi trường nuôi nhốt trở lại rừng là rất khó khăn.

Số lượng hổ ngày càng có xu hướng nhiều lên nhưng diện tích của trung tâm thì chưa được mở rộng, chính vì vậy, mỗi con hổ chỉ có thể sống trong một khu chuồng nhỏ hẹp thế này. Mặc dù trung tâm cũng đã thiết kế khu vực nuôi bán hoang dã để giúp loài hổ giảm stress, được hoạt động trong không gian rộng hơn nhưng so với số lượng hổ hiện nay là 36 con thì khoảng không gian bán hoang dã này chẳng khác muối bỏ bể. 

Bà Trần Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Trong môi trường nuôi nhốt này thì diện tích nó khá là chật chội vậy nên cái việc phục hồi các tập tính sinh hoạt rất là khó khăn. Để mà khắc phục những khó khăn này thì chỉ có cách là cải thiện cái môi trường nuôi như là bố trí các đồ vật  gần gũi với thiên nhiên nhất như đồ gỗ, cành  cây để cho các con hổ có thể làm quen với  những vật liệu khi mà ở ngoài thiên nhiên nó có thể tiếp xúc. Rồi trong quá trình nuôi nhốt  chúng có thể đánh nhau, gây ra những tổn thương, đó cũng là những khó khăn trong quá trình chăm sóc.

Nhìn những hình ảnh này, chắc nhiều người vẫn nhớ đến vụ việc giải cứu 7  cá thể hổ từ một vụ buôn bán và vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Nghệ An vào tháng 8 năm ngoái. Sau khi được cứu hộ, 7 cá thể này đã được đưa về Trung tâm cứu hộ tại vườn Quốc gia Pù Mát chăm sóc và nuôi dưỡng tới nay. Cũng tương tự những con hổ trong các vụ việc cứu hộ khác, 7 chú hổ con này sẽ lớn lên trong các khu chuồng trại nhỏ hẹp và không bao giờ có cơ hội quay lại với tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam: Các cá thể hổ mà muốn tái thả lại tự nhiên thì chúng ta phải làm thế nào mà đưa chúng được vào các khu bán hoang dã, các khu đấy  nó phải có đầy đủ các con mồi ở ngoài tự  nhiên để tập săn bắt được và nó không nên tiếp xúc với con người thì mới có khả năng để tái thả. Tất cả các cá thể hổ hiện nay mà chúng tôi đang cứu hộ thì nó đã quá quen với con người, và những cá thể đó không phù hợp để phục vụ cho các chương trình tái thả.

Những cá thể hổ ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, hay ở Trung tâm cứu hộ Pù Mát, hay ở bất cứ khu nuôi nhốt hợp pháp nào trên lãnh thổ Việt Nam tương lai đều gắn với chuồng, trại. Đó vẫn là những cá thể hổ theo định nghĩa sinh học, nhưng chúng đã mất đi nhiều bản năng quan trọng của loài hổ. Và quan trọng hơn, chúng ta cũng không chắc tươi lai của những chú hổ trong chuồng trại có thể kéo dài đến bao giờ khi mà môi trường sống của chúng bị thay đổi quá mạnh mẽ. Bảo tồn hổ là điều phải làm, thậm chí phải làm từ lâu, từ trước, nhưng bảo tồn theo cách nào thì lại là bài toán rất khó. 

Bà Bùi Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV. Hiện nay thì các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm đến công tác bảo tồn hổ. Tiêu biểu nhất là Nhà nước đã có ban hành từ năm 2014 quyết định việc phê duyệt chương trình Quốc gia về bảo tồn hổ. Điều này rõ ràng là  chúng ta rất quan tâm đến việc bảo tồn loài vật mang tính biểu tượng này và rất nhiều cá nhân tổ chức cũng đang nổ lực và sẽ cố gắng đóng góp những nguồn để bảo tồn hổ. Nếu chúng ta có cơ chế, có kế hoạch với sự đóng góp, quan tâm của chính quyền, của cộng đồng, về thiết lập chương trình nuôi bảo tồn, phục hồi hổ, đi kèm với đó là các giải pháp giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sử dụng sản phẩm từ hổ hay là ngăn chặn hành vi vi phạm với hổ. Tôi hy vọng rằng trong tương lai chúng ta có thể nhìn thấy hổ ngoài tự nhiên. Nếu tất cả chúng ta cùng chung tay.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam: Việc tái thả các đàn hổ vào tự nhiên thì chúng ta không có hi vọng gì trong 10 năm tới, nhưng tương lai xa hơn, nếu chúng ta có một chiến lược rõ ràng thì nó có thể có khả thi và nếu mà chúng ta muốn làm thì nó phải có một cái ý chí chính trị rất lớn, sự  quan tâm đặc biệt từ chính quyền ví dụ như cộng đồng, thì từ đó chúng ta mới có nguồn lực để thực hiện chương trình tái thả đàn hổ.

Bảo tồn hổ trong tự nhiên gần như là điều không thể, nhưng bảo tồn hổ trong các khu bán hoang dã, có sự giám sát, quản lý của các cấp chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể khả thi. Tất nhiên để có thể xây dựng một khu bán hoang dã có đủ những điều kiện để tái thả là điều không dễ dàng nhưng không phải là không thể nếu chúng ta quyết tâm. Chuyện bảo tồn loài hổ không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà nó đã được đề cập từ nhiều năm trước, thế nhưng hổ ngoài tự nhiên vẫn không dấu vết và chúng ta vẫn chưa thể qui hoạch được những con hổ trong chuồng của hiện tại, và càng rất khó có thể khẳng định được tương lai cho loài hổ ở Việt Nam. Có lẽ, câu trả lời duy nhất cho tương lai của loài hổ đều phụ thuộc vào ý chí của con người.

HỔ - BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ UY QUYỀN 

Năm Nhâm Dần đã đến – một lần nữa người dân cả nước lại được ngắm nhìn  hình tượng của hổ trong các nét văn hóa truyền thống. Theo các tài liệu nghiên cứu, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc thời tiền sử. Cách đây 2000 năm, hình trượng hổ đã bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn với quan niệm tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Qua những di vật khảo cổ, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình tượng hổ được điêu khắc trên tượng đá, hình tượng hổ trên binh khí, trên thạp đồng hay trong những bức tranh thờ nổi tiếng một thời - Tranh dân gian Hàng Trống.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Năm Dần thì luôn được mọi người quan tâm vì nó không xa lạ với con người nhưng lại luôn hiển hiện trong con người như một cái sức mạnh, một cái uy lực…

Biểu tượng hổ trong văn hóa của người Việt Nam có lẽ không chỉ dừng ở việc thờ tự, tôn vinh mà còn thể hiện những khát khao, ước vọng sở hữu sức mạnh như “chúa sơn lâm” của cha ông. Hình tượng đó từ xa xưa đến hiện tại chưa bao giờ mất đi, “hổ” vẫn được nhắc đến với sự nể nang, ngưỡng mộ. Thế nhưng, từ hình tượng xa xưa đến thực tế hiện nay, đã thay đổi ít nhiều.  Hình ảnh triển lãm 
Bạn trẻ…

Bạn Nguyễn Hoàng Thành: Thật sự là hình tượng hổ rất đẹp nhưng rất  nhiều năm nay chúng ta không bắt gặp được hình ảnh hổ trong tự nhiên nữa, chỉ có hổ trong sở thú hay trong các khu bảo tồn, trong tranh hay vườn thú. Tôi rất mong muốn loài hổ có thể trở về vị trí vốn có của nó…

Từ xa xưa, cha ông ta đã dành cho hổ vị trí linh thiêng, được tôn thờ. Ngày nay, chúng ta vẫn giữ gìn truyền thống tôn thờ hổ trong nhiều đình chùa ở Việt Nam. Có lẽ, hình tượng hổ sẽ còn trường tồn, sinh mạng những con hổ đời thực cũng sẽ trường tồn, nhưng để những con hổ trở về với đúng hình tượng của nó thì điều chúng ta cần hướng tới trong tương lai gần là làm sao để có thể “ thả hổ về rừng”.

Anh Thư