2 năm 2021-2022 Bộ Tài chính phân bổ 20 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chiều 28/7, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Bộ Tài Chính nhằm làm rõ hơn về nguồn lực bố trí và các chính sách pháp luật cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Qua làm việc với 8 địa phương và Bộ Công thương, vấn đề nguồn lực cho công tác bảo vệ người tiêu dùng được Đoàn giám sát quan tâm, đề nghị Bộ Tài chính có những đề xuất cụ thể để theo dõi, quản lý hiệu quả.

Ông TRẦN VĂN KHẢI, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: “Từ 2011 đến giờ, Bộ Tài chính đã bố trí bao nhiêu nguồn lực cho vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, mỗi năm bao nhiêu tỷ, năm trước cao hơn năm sau bao nhiêu, Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương như thế nào. Ban Bí thư đánh giá khâu tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đang không hiệu quả, chúng ta xem yếu kém ở khâu nào?”

Theo Bộ Tài chính, 2 năm 2021-2022, đã phân bổ hơn 20 tỷ đồng cho Bộ Công Thương triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng quy định rõ, trách nhiệm đánh giá hiệu quả thuộc về các Bộ, ngành sử dụng nguồn ngân sách này.

TRẦN THỊ QUỲNH NGA, Phó Vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp: “Vấn đề đánh giá hiệu quả nguồn ngân sách dùng cho công tác bảo vệ người tiêu dùng thuộc trách nhiệm thuộc Bộ Công thương và việc này được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước. Các Bộ được giao nhiệm vụ trong đó có Bộ Công thương đều phải đánh giá tình hình thực hiện dự toán để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao. Đây cũng là cơ sở để Bộ Tài chính trình Quốc hội dự toán năm sau”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, giá, phí, chất lượng sản phẩm hàng hóa luôn được người tiêu dùng quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ về giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt vấn đề bình ổn giá cần thực chất.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: “Thực chất quỹ bình ổn giá là từ tiền của người tiêu dùng, đáng lẽ giá cộng thêm chút nữa. Người tiêu dùng thắc mắc là nộp thì nộp nhưng chi tiêu thế nào thì không biết. Vai trò bình ổn chưa thấy đâu.”

Ông ĐẶNG CÔNG KHÔI, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính: “Công tác  bình ổn giá chung, đảm bảo mục tiêu Quốc hội giao là cực kỳ khó. Trong những năm gần đây nó là áp lực cực kỳ lớn với công tác quản lý, điều hành giá”.

Bà VŨ THỊ MAI, Thứ trưởng Bộ Tài Chính: “Hiện nay đã có hóa đơn điện tử, giúp ích nhiều cho việc truy vết, quản lý chất lượng hàng hóa. Đây cũng là công cụ hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Tạ Đình Thi đề nghị, Bộ Tài chính cần có báo cáo thêm về giao dịch bảo hiểm đối với lĩnh vực thuế, hải quan, trong đó cần rõ hơn về số liệu, thống kê nhằm chuẩn bị cho Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

Anh Đức