• 1589 lượt xem
  • 04:57 01/08/2022
  • Kinh tế

16 năm thực hiện vẫn chưa thể hoàn thành bàn giao đất nông trường

Đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau gần 30 năm thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai và thất thoát ngân sách nhà nước.

Nhà cửa dột nát, xuống cấp trầm trọng. Sửa chữa cải tạo thì không được phép. Nhiều gia đình có đến 4, 5 thế hệ cùng chung sống phải “lén lút” xây dựng, mong có chỗ ở an toàn. Hơn nghìn hecta đất 16 năm chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đây là những hệ quả của việc chậm thu hồi, quản lý đất sau quá trình cổ phần hoá Nông trường hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ Thành Công ty Cổ phần Việt Mông tại huyện Ba Vì.

Ông NGUYỄN VĂN LÊ - Thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội: “Đã 31 năm rồi, gia đình nhà cũng bị xuống cấp trầm trọng quá. Các cháu thì đã lớn, 5 thế hệ ở kia. Giờ nhà nó cũng dột quá nên tôi cũng muốn làm thêm cái cửa gian nhà. Gia đình tôi cũng rất biết là sai nhưng mà cũng bị nhắc nhở, lập biên bản rồi, đình chỉ 2,3 lần rồi thôi nhưng đôi khi cũng đành làm.”

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN - Thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội: “Quyền sở hữu là quyền chúng tôi không có, sau hơn 30 năm xây dựng phát triển kinh tế, nhà cửa đã xuống cấp rất nhiều. Xây dựng thì lãnh đạo cấp trên không nhất trí cho xây dựng. Công ty cổ phần Việt Mông cũng là một thành viên, có quản lý gì chúng tôi đâu, có chăm lo gì cho đời sống chúng tôi đâu. Anh chỉ nắm bộ hồ sơ của nông trường cũ, chưa ai nhận bàn giao thì anh nắm lấy, nhưng mà anh chả biết, thậm chí đất của anh đến đâu cũng còn không biết.”

Theo phương án Cổ phần hoá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt năm 2006, tổng diện tích sử dụng đất của Nông trường là 1.117 ha, trong đó 29,8 ha được để lại cho Công ty CP Việt Mông quản lý, sử dụng; diện tích còn lại, hơn 1.000 ha giao về địa phương.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi công tác bàn giao vẫn chỉ nằm trên giấy. Không bàn giao, không kiểm đếm,  không người quản lý. Trong khi đó, tại khu vực giáp ranh nông trường của 3 xã Yên Bài, Vân Hòa, Kim Sơn, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép diễn ra phức tạp.

Ông NGUYỄN PHI LONG - Chủ tịch UBND xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội: “Trước đây, khi nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ giao đất cho bà con theo Hợp Đồng 01, Hợp đồng để cho bà con ở tạm và cơ bản để sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế. Năm 2013, thanh tra sở tài nguyên có về thanh tra lại mọi hoạt động của Nông trường Việt Mông cũ thì cho là đất giao cho bà con nhân dân theo hợp đồng 01 không được phép xây dựng nhà ở. Sau khi có kết luận của thanh tra sở Tài Nguyên, địa phương huyện, xã mới nắm được việc cho bà con xây dựng nhà ở là không đúng theo quy định của pháp luật.”

Một câu chuyện khác về việc thiếu quản lý đối với đất có nguồn gốc nông lâm trường sau cổ phần hóa là tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau cổ phần hoá năm 2006, Công ty giống bò thịt sữa Yên Phú Công ty được tỉnh Ninh Bình phê duyệt phương án sử dụng đất hơn 768 ha, trong đó có hơn 527 ha đã ký hợp đồng thuê đất. Phần lớn diện tích đất này do 800 hộ dân nhận giao khoán từ trước khi cổ phần hoá. Tuy nhiên, mặc dù đã hết hạn giao khoán từ 2015, hơn 400 hộ dân nhận giao khoán khoảng 304ha không hợp tác để ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao lại đất cho công ty. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, khiếu nại.

Ông HÀ ĐỨC HẢI - Phó giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú: “Ví dụ như họ trồng dứa đây, diện tích đây là 1 ha đất thầu khoán của công ty đây, hiện vẫn còn nhiều diện tích các hộ nông dân không làm theo cam kết giao khoán của công ty.”

Ông LƯƠNG MINH TÙNG - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú: “Thực ra người dân nghe công ty chúng tôi tuyên truyền nói rồi, có người hiểu, có người không hiểu, người hiểu thì có thể nguời ta lại không muốn theo vì bản chất ai cũng thích tự do, không ai thích bị quản lý cả, đi theo công ty, sản xuất theo định hướng của công ty, chịu sự quản lý của công ty thì họ không muốn.”

Theo kết luận 465 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình, sau khi cổ phần hóa một số nông, lâm trường, UBND tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan chức năng chưa kịp thời tiến hành rà soát, kê khai việc sử dụng đất, không xác định diện tích đất công ty được tiếp tục giữ lại để chuyển sang hình thức cho thuê đất, không thu hồi các diện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng theo quy định./. 

Thanh Nga