12 năm thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chưa từng có vụ giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng sủa đổi do Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 9/8, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên hay không quy định giải quyết tranh chấp tại tòa án bằng thủ tục rút gọn bởi đây là thủ tục vô cùng khó khăn mà chính bản thân tòa án cũng "ngại" triển khai.

Khi người mua và người bán xảy ra mâu thuẫn,  dù được quy định trong Luật hiện hành nhưng 2  trong 4 phương thức giải quyết tranh chấp vẫn khó và chưa thể triển khai được chính là Trọng tài và tòa án. Việc một lần nữa ban soạn thảo  lại quy định nội dung này vào dự thảo Luật khiến các chuyên gia hết sức băn khoăn bởi  tính khả thi trong thực tế.

Bà ĐINH THỊ MỸ LOAN - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam: “Gần 12 năm thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa có vụ khiếu kiện nào của một bên là người tiêu dùng, hay là tổ chức đại diện bảo vệ người tiêu dùng mà được giải quyết bởi trọng tài. Tôi đề nghị chúng ta hy sinh 2 phương thức giải quyết tranh chấp, đó là trọng tài và bảo vệ người tiêu dùng; thay vào đó nghiên cứu một phương pháp giải quyết tranh chấp như ở trọng tài, như ở tòa án nhưng bằng một cơ chế đặc thù.”

Bà LƯU HƯƠNG LY - Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư Pháp: “Dặc trưng tranh chấp liên quan tới người tiêu dùng là số lượng nhiều nhưng giá trị nhỏ, bên khởi kiện, người tiêu dùng là bên yếu thế so với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nếu áp dụng quy trình tố tụng bình thường thì người tiêu dùng sẽ e ngại, không sử dụng cơ chế tố tụng dân sự. Các nước phát triển đều có tòa án riêng xử các vụ tranh chấp có giá trị nhỏ”

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong đó có Malaysia khi đưa vào sử dụng 1 tòa án chuyên xử các vụ tranh chấp nhỏ, dành riêng cho người tiêu dùng. Việc sử dụng phương thức tòa án đặc thù dành riêng cho người tiêu dùng này sẽ nằm ngoài hệ thống pháp luật nhưng với hình thức mới,  thủ tục đơn giản sẽ khiến người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ.
 

Tùng Dương