Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Một năm nhìn lại

Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, của Quốc hội. Trong bối cảnh đó, Ủy ban nhiệm kỳ Khóa XIV và Khóa XV đã có nhiều đổi mới, chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai, hoàn thành tốt chương trình công tác đã đề ra.

Đây là buổi họp thống nhất kết thúc các nội dung của chương trình giám sát tại tỉnh Tuyên Quang liên quan đến những lĩnh vực thuộc Ủy ban Văn hóa Giáo dục phụ trách. Không bắt tay, không gặp gỡ…thay vào đó là ánh mắt, lời nói, trao đổi qua màn hình… bởi đây là một cuộc họp giám sát trực tuyến từ 2 đầu cầu: Ủy ban Văn hóa giáo dục tại nhà Quốc hội và các sở, ban ngành tại UBND tỉnh Tuyên Quang. Tại cuộc họp, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề để địa phương giải trình, làm rõ.

Ông Đỗ Chí Nghĩa - Uỷ viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Trong báo cáo sự phối hợp sở Lao động và giáo dục còn hạn chế, chưa ban hành quy chế vì chưa có hướng dẫn, đề nghị làm rõ xem sự phối hợp 2 sở hạn chế ở những điểm nào."

Ông Phạm Nam Tiến, Uỷ viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: "Tôi muốn được biết hệ thống loa truyền thanh của đài tỉnh xuống thôn bản, vùng khó khăn như thế nào, bởi hiện nay dịch covid thì đây là phương thức tuyên truyền hữu hiệu”.

Trong điều kiện, hoàn cảnh dịch bệnh covid 19 phức tạp, khó khăn như hiện nay, rất nhiều hoạt động phải tạm dừng, tuy nhiên, hoạt động giám sát thì không được phép dừng để đảm bảo cho các hoạt động của Quốc hội được thông suốt, đồng thời những ý kiến của cử tri được phản ánh đến cơ quan cao nhất của cả nước là Quốc hội một cách kịp thời.

Ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Hình thức giám sát trực tuyến này là một giải pháp mang tính tình thế thôi, tức là lý tưởng nhất chúng ta vẫn là giám sát trực tiếp. Tuy nhiên, hình thức giám sát trực tuyến này nó cũng giúp cho chúng ta là trong những hoàn cảnh điều kiện hiện nay chúng ta vẫn tiến hành những hoạt động của mình, vẫn phản ánh ý kiến của cử tri. Ở đây chúng ta kết hợp được cả giám sát trực tuyến như hiện nay nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải có những thông tin trực tiếp từ địa phương. Làm như vậy thì chúng ta mới có thể phát huy cao nhất hiệu quả công tác giám sát được".

Mục tiêu của hoạt động giám sát là đối chiếu với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, với các quy định của pháp luật để đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật của địa phương trên các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Do đó, từ rất sớm, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết, đồng thời tăng cường trao đổi văn bản cũng như trực tiếp với tỉnh. Ủy ban cũng đã phân công các nhóm tiến hành khảo sát, nghiên cứu. Có những vấn đề nghiên cứu thực địa, cũng có những vấn đề nghiên cứu trên văn bản và các hình thức khác, phối hợp chặt chẽ để có một cuộc giám sát chất lượng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Chúng tôi quan niệm rằng cuộc họp để thống nhất kết thúc các nội dung của chương trình giám sát. Cho nên, chính vì vậy trong điều kiện dịch bệnh như thế này thì chúng ta có sự điều chỉnh. Việc làm việc này diễn ra tại địa phương là tốt nhất để hai bên có thể trực tiếp trao đổi với nhau, thảo luận với nhau các vấn đề trong cuộc họp, ngoài cuộc họp. Tuy nhiên, trong điều kiện bệnh thì chúng tôi nghĩ rằng làm hình thức này thì nó vẫn đảm bảo hiệu quả, hai bên vẫn có thể cùng nghiên cứu báo cáo, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về nhận thức chung cũng như từ phía Ủy ban thì có thêm cơ sở vững chắc để chúng tôi ban hành báo cáo giám sát các lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và đổi mới trong hoạt động giám sát nói riêng là một tiến trình lâu dài, kế thừa và sáng tạo. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong mỏi của cử tri, hướng tới một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp, việc cải tiến hình thức hoạt động giám sát bình thường trong điều kiện bất thường là rất có ý nghĩa.

Năm 2021, Ủy ban đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về du lịch, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động du lịch, đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục khó khăn, đề xuất kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. Thường trực Ủy ban đã tổ chức làm việc với các bộ, ngành thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách để thực hiện nhiệm vụ giám sát kết quả thực hiện công tác 2021, dự kiến công tác năm 2022 và định hướng giai đoạn 2021 - 2025; việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính 3 năm 2022 - 2024...

Ông Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Trước tình hình việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet, bên cạnh những mặt tích cực lại đang bộc lộ nhiều mặt trái đáng lo ngại như có tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, để công kích, bôi nhọ tổ chức. Hiện tượng sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ cá nhân, thông tin sai sự thực…” 

Năm qua, Ủy ban đã tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non. Trong đó, tập trung vào các vấn đề: tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non; số lượng người làm việc (định mức biên chế sự nghiệp) ở các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên phổ thông, mầm non công tác tại vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với nội dung; công tác dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực và lộ trình thực hiện để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non. 

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Trong tháng 2 tới sẽ có phiên giải trình. Đó là giải trình về vấn đề đội ngũ, biên chế nhà giáo và dạy học trực tuyến. Để chuẩn bị phiên giải trình trong tháng 2 tới, trong quý 4/2021, Ủy ban đã triển khai việc giám sát và khảo sát ở sáu địa phương, đại diện cho miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Chúng tôi đang quan tâm tới việc, trong bối cảnh dạy học trực tuyến, không đồng bộ ở địa phương thì Bộ Giáo dục, các bộ ngành liên quan, các địa phương sẽ tổ chức thi như thế nào. Đây là những vấn đề trong phiên giải trình mà chúng tôi sẽ đặt ra".

Việc triển khai hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban trong năm qua đã được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất và góp ý thiết thực cho công tác xây dựng thể chế, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong các lĩnh vực Ủy ban được giao phụ trách. 

Ủy ban đã rà soát, đánh giá công tác tổ chức các hội thảo khoa học trong nhiệm kỳ khóa XIV; thống nhất tiếp tục duy trì Hội thảo thường niên về công tác giáo dục (VEC) và đề xuất bổ sung các hội thảo/diễn đàn thường niên trong các lĩnh vực văn hóa - thông tin, thanh niên và trẻ em. 

Điểm nhấn trong năm 2021 là Ủy ban đã tổ chức thành công 2 hội thảo thường niên. Hội thảo về lĩnh vực giáo dục và văn hóa được tổ chức với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách (đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương có liên quan), các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý tưởng, giải pháp mới nhằm phát triển môi trường văn hóa học đường (tháng 11/2021). Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” được tổ chức tại Nghệ An theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và hơn 300 đại biểu nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch Việt Nam hiện nay; định hướng, giải pháp để phục hồi du lịch trong thời gian tới, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phát triển du lịch (tháng 12/2021).

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Trên tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội là đồng hành với Chính phủ. Du lịch được theo dõi, phân công giúp tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Ủy ban đồng hành với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo về Du lịch Việt Nam với chủ đề phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới.

Để có được những cuộc giám sát có chất lượng, hiệu quả, những hội thảo có dấu ấn, Vụ chuyên môn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, phục vụ; sáng tạo, linh hoạt trong triển khai công việc, tham mưu cho Thường trực Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ, điều hòa, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động hiệu quả; từng bước chuẩn hóa các quy trình làm việc, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ. 

Ông Thiều Đức Dũng, Chuyên viên: Để đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc nhiều, áp lực, Quốc hội đổi mới toàn diện, chuyên viên vụ đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành và đáp ứng tốt chất lượng công việc, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới công tác lập pháp mà Quốc hội, Nhân dân kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục: Với chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, là các dự án luật phải đảm bảo chất lượng, gồm cả chất lượng của dự án luật trình cũng như phần thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các ủy ban, chúng tôi phải tập trung cao độ và huy động gần như là toàn lực, cũng phải tăng cường nhiều anh chị em làm ngoại giờ, thứ bảy, chủ nhật, để cố gắng làm sao tới thời hạn có thể ra được những báo cáo, góp ý ngắn gọn, súc tích và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Thời gian, công sức đầu tư cho nghiên cứu, nắm bắt các vấn đề trong lĩnh vực phụ trách của một số cán bộ, công chức ở cơ quan thường trực có thời điểm, có lúc, có nơi còn chưa được sâu sắc, đầy đủ; việc cập nhật các hoạt động thực tiễn của lĩnh vực được giao phụ trách đôi khi còn chưa kịp thời, dẫn tới nhiều nội dung tham mưu còn chưa sâu. Việc duy trì mối quan hệ, cơ chế phối hợp công tác giữa Ủy ban với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đôi lúc còn chưa chặt chẽ. Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Thường trực Ủy ban và của Vụ chuyên môn còn nhiều rào cản, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và quyết liệt hơn trong tổ chức triển khai. 

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Văn hóa Giáo dục là hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt quy trình xây dựng luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm. Tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát lĩnh vực một cách có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả với chủ đề được lựa chọn có tính thời sự, thiết thực, cụ thể; tập trung vào các nội dung về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển giáo dục toàn diện nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phan Hằng