Không mở rộng thời gian làm thêm giờ đối với nhóm lao động đặc biệt, ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc mở rộng đối tượng áp dụng thời giờ làm thêm không áp dụng đối với nhóm lao động đặc biệt như người chưa thành niên, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm....

>> Làm thêm 60 giờ thay vì 72 giờ: Không đánh đổi sức khoẻ và sinh mạng lấy tăng trưởng

Chiều 23/03, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.

Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất chỉnh lý tên gọi của dự thảo là “Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 01năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 01 năm, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất chỉnh lý theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 

Đối với ý kiến đề nghị nâng mức thời gian làm thêm không quá 400 giờ trong 01 năm, sau khi tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến trực tiếp người lao động và khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế về thời giờ làm thêm… cho thấy việc nâng lên mức 400 giờ là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết.

Về mức trần thời gian làm thêm trong 01 tháng, trên cơ sở kết quả biểu quyết, tiếp thu ý kiến của đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nội dung này được thể hiện theo hướng “Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng”.

Anh Tuấn