Đồng bào Ba Na thực hiện cách mạng xanh trong canh tác cà phê

Với việc áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đặc biệt là trong việc trồng và chăm sóc cây cà phê, cộng đồng người Ba Na ở Gia Lai đang từng bước dấn thân vào cuộc cách mạng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, họ chú trọng nâng cao hiệu quả cho loại cây trồng này cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của xuất khẩu đồng thời bảo vệ môi trường sống.

Nhiều năm trước, vườn cà phê rộng hơn 1 héc ta của gia đình anh Xuân ở xã Glar, huyện Đắk Đoa chủ yếu canh tác theo hướng truyền thống. Việc không kiểm soát được lượng phân bón cũng như nước tưới khiến chi phí đội lên cao nhưng năng suất và chất lượng hạt cà phê lại không đạt yêu cầu. Từ khi tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê sạch, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các doanh nghiệp đầu mối vườn cà phê của gia đình anh cũng như nhiều hộ dân trong làng đã có những thay đổi tích cực.

Việc ngày càng nhiều người dân tộc thiểu số tại Gia Lai tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê trên địa bàn đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người sản xuất. Với năng suất tăng gần gấp đôi, sức khỏe người trồng được đảm bảo, môi trường được cải thiện khiến số hộ dân tham gia chuỗi ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, có hơn 200 hộ dân tộc thiểu số Ba Na tại xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai tham gia vào quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ này. Đây được xem như cuộc cách mạng trong tư duy canh tác cà phê của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Việc tham gia sản xuất theo chuỗi cho thấy người dân tộc thiểu số đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường nhằm thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đình Đại