Điểm báo 6/5: Loay hoay bảo vệ tài khoản ngân hàng, chứng khoán

Có cần phải đo điện não, điện tim trước khi cấp giấy phép lái xe?; Thị trường ấm dần lên, môi giới nhà đất rục rịch trở lại; Kiên quyết chặn hàng giả, hàng nhái; Loay hoay bảo vệ tài khoản ngân hàng, chứng khoán,...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 6/5.

CÓ CẦN PHẢI ĐO ĐIỆN NÃO, ĐIỆN TIM TRƯỚC KHI CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE 

Thời gian qua, tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều, trong đó có xuất phát từ nguyên nhân sức khỏe người lái xe. Chuyên gia cho rằng cần phải đo điện não, điện tim trước khi cấp giấy phép lái xe.

Theo bài viết được đăng trên báo Tuổi trẻ, lái xe là việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung và khả năng phản ứng với các tình huống có thể xảy ra của người cầm lái. Tuy nhiên, trường hợp người lái xe không đủ sức khỏe, mắc các chứng về thần kinh… thì vô cùng nguy hiểm. thực tế không ít vụ tai nạn trên cao tốc, quốc lộ… khi xe đang chạy thì lật hoặc tài xế dừng đột ngột gây cản trở giao thông trên đường. Từ những vụ tai nạn thực tế, các chuyên gia đặt ra vấn đề về sự cần thiết của các quy định pháp luật đối với những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn, quy định kiểm tra sức khoẻ trước khi cấp bằng lái xe cho họ. Cụ thể Phải tiến hành đo điện não để xác định xem bản thân có bị bệnh hay không, nếu có thì phải tìm cách chữa trị phù hợp. Có các phương pháp đo điện não như đo điện não thường, điện não giấc ngủ, điện não 24h…. Và tới đây, các cơ quan nhà nước phải sớm nghiên cứu, đưa việc đo điện não, điện tim vào quy trình khám sức khỏe sát hạch và cấp giấy phép lái xe.      

THỊ TRƯỜNG ẤM DẦN LÊN, MÔI GIỚI NHÀ ĐẤT RỤC RỊCH TRỞ LẠI 

Thị trường bất động sản “đóng băng” thanh khoản vào giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023, khiến môi giới bỏ nghề ồ ạt, nhiều doanh nghiệp và sàn giao dịch cũng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, khi thị trường ấm lên, không ít môi giới tiếp tục quay trở lại và đầu quân cho các công ty bất động sản đang cần tuyển dụng nhân sự.

Với số lượng hơn 900 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới của quý 1/2024; hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Thực tế, trên các sàn môi giới hiện nay đang rầm rộ khởi động cuộc đua săn lùng nhân sự với nhiều hoạt động cạnh tranh bằng những chế độ, mức lương cứng cùng hoa hồng hấp dẫn, nhằm mục đích tăng quy mô để có đủ nguồn lực giúp mở rộng thị trường và thị phần. Tuy nhiên, Để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, cần cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án bất động sản, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch, đồng thời, bảo vệ lợi ích của người hành nghề, khuyến khích môi giới làm nghề chân chính. Bởi để gắn bó lâu dài với thị trường, ngoài chứng chỉ hành nghề, môi giới cần kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức với yêu cầu ngày càng khắt khe.     

KIÊN QUYẾT CHẶN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI 

“Kiên quyết chặn hàng giả, hàng nhái” là bài viết đáng chú ý trên báo Đại đoàn kết. Hàng giả, hàng nhái vẫn hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.    

Số liệu thống kê, quý I/2024 đã thực hiện kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả, 1.702 vụ vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng. Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhiều chuyên gia cho biết, Thương hiệu sản phẩm là cả sự nghiệp mà các doanh nghiệp dày công xây dựng nhưng khi bị làm giả, làm nhái với giá rẻ hơn, chất lượng kém hơn thì uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, có thể khiến doanh nghiệp đi đến phá sản. Giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề làm đau đầu nhà quản lý. Để xử lý vấn nạn này, rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, phải chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng, kịp thời cung cấp những thông tin về các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ đó lực lượng chức năng mới có thêm thông tin, cơ sở để giải quyết, xử lý các vi phạm.    

LOAY HOAY BẢO VỆ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG, CHỨNG KHOÁN  

Thời gian qua, dù nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp. Thông tin đáng chú ý trên báo Kinh tế và đô thị.

Mục đích của các thủ đoạn chính là khiến người dùng tin và cài đặt phần mềm chứa mã độc. Các phần mềm chứa mã độc này sẽ giúp đối tượng lừa đảo vượt qua hầu hết biện pháp xác thực và bảo vệ của thiết bị di động, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền và tài sản của nạn nhân. Ngoài những thủ đoạn lừa đảo như cuộc gọi video deepfake; giả danh cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử..., gần đây nở rộ hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và chắc chắn rằng, sẽ có “nhiều cuộc tấn công hơn nữa”trên iOS trong tương lai gần.    

Truyền hình Quốc hội Việt Nam