Cần có chương riêng quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp tư nhân

Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3 về dự án Luật dân chủ ở cơ sở. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh luật không thể chỉ quy định một điều trong về dân chủ tại doanh nghiệp, như vậy là không đáp ứng được yêu cầu xây dựng luật.

Đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan trình dự án Luật và Cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây chỉ là bước khởi đầu, cần phải tiếp tục nghiên cứu đánh giá thật kỹ và thấu đáo để chất lượng của Luật dân chủ ở cơ sở đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Luật cũng cần phải nghiên cứu, kế thừa và nâng cấp các quy định đã có để thể chế hóa chủ trương quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Riêng đối với quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải quy định chặt chẽ để đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không thể chỉ quy định một ý như dự thảo Luật rồi giao cho Chính phủ quy định. Tất cả phải bình đẳng. Sẽ có những nội dung Chính phủ quy định chi tiết nhiều hơn mà không thể chỉ nói một câu trong dự thảo Luật nói ”có dân chủ ở doanh nghiệp và giao Chính phủ quy định. Tất cả những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân phải được quy định trong luật. Phải thiết kế một chương trong luật về vấn đề này, quy định dày dặn. Thực tế cũng đã có quy định trong các nghị định, quy chế về dân chủ cơ sở thì kế thừa, pháp điển hóa, đưa vào luật. Rất không nên chỉ quy định một câu trong luật, sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng luật."

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần phải cụ thể chi tiết hơn trong các quy định liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện dân chủ, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Bởi thực tế thời gian qua, nhiều vụ việc đình công, bãi công đều xoay quanh vấn đề về thực hiện dân chủ. Chủ nhiệm Bùi Văn Cường phân tích rõ, trong doanh nghiệp tư nhân, nhiều vấn đề cần được thông tin như tăng giờ làm, trả lương hay các phúc lợi thì lại không thông tin minh bạch công khai cho người lao động, dẫn đến phát sinh tranh chấp. Do đó, cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp cần phải được cụ thể hóa và rõ ràng hơn.

Ông  BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì có sự khác nhau. Trong đó cần phải luật hóa một số quy định cụ thể liên quan đến doanh nghiệp nhà nước phải công khai minh bạch cái gì và doanh nghiệp tư nhân thì thế nào. Doanh nghiệp tư nhân có các yếu tố khác đối với doanh nghiệp nhà nước, vấn đề liên quan đến việc các điều kiện làm việc rồi liên quan đến quan hệ lao động là phải được thảo luận bàn bạc thống nhất.”

Cũng theo các đại biểu, cần phải có quy định chung cho việc thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp. Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, riêng doanh nghiệp nhà nước cần quy định chi tiết, kỹ hơn bởi có rất nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy, ngân sách nhà nước cũng như các cơ chế chính sách. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hiện cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, cần phải quy định cụ thể để việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp được đảm bảo.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:" Nếu không quy định trong luật này mà điều chỉnh ở các luật chuyên ngành thì sẽ chưa đủ để sức mạnh thực hành dân chủ. Vì đây là luật thực hiện dân chủ ở cơ sở do đó chúng ta cần phải bao quát chung để nó đảm bảo cho cái luật này có hiệu lực và thực hiện trong thực tiễn một cách tốt hơn."

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lý giải sở dĩ Chính phủ đưa ra 2 phương án là do còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước quan điểm cơ chế dân chủ tại doanh nghiệp là cơ chế điều chỉnh quan hệ giữa người sử dụng lao động với người người lao động, đã được quy định rất cụ thể và ổn định từ Bộ Luật Lao động năm 2012 và một số nghị định, nếu tiếp tục bổ sung vào dự thảo luật sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế ILO, hay trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở cần đảm bảo theo quy định chung. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và tích hợp các quan điểm của các đại biểu một cách hài hòa.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Trên quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hôm nay chúng tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ nghiên cứu xem xét, theo phương án như Chủ tịch Quốc hội đã nêu cũng là toàn diện và đảm bảo. Theo tính chất mức độ, tùy theo từng chủ đề một, để tính toán lưu lượng đưa ra những nguyên tắc, ở đâu đưa ra nguyên tắc nào, ở đâu thì đưa ra những nội dung cụ thể, chi tiết cho nó phù hợp với những vấn đề chủ trương của Đảng cũng như một số những văn bản pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ đã có.

Thực tế cho thấy thời gian qua, nếu việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một bước và hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Dương Dung